Giới thiệu sách
Cái Đẹp là gì? Nghệ thuật, thị hiếu, thời trang là gì? Liệu Cái Đẹp có phải điều gì đó có thể định nghĩa một cách lý tính, hay chẳng qua đó chỉ là một đánh giá thuần tính chủ quan? Công cuộc khám phá Cái Đẹp của Umberto Eco bắt đầu như thế đó. Với việc nghiên cứu chi tiết và cặn kẽ những tác phẩm quan trọng nhất trong văn hóa phương Tây, từ tượng Vệ Nữ Milo đến Marilyn của Andy Warhol, từ các quái thú của Jérôme Bosch đến tranh Đức Mẹ của Botticelli hay các cung tần của Manet, Umberto Eco đã dựng nên bức tranh trọn vẹn, phản ánh các gương mặt khác nhau của Cái Đẹp, tạo nên chuyến du hành đích thực suốt từ thời Hy Lạp cổ đại đến tận ngày nay.
Tác phẩm thú vị này hẳn sẽ bóp nghẹt mọi định kiến xưa cũ và qua mỗi chương lại vẽ nên một tấm bản đồ thực sự về sự dịu dàng của Cái Đẹp.
GIỚI THIỆU CỦA ĐỘC GIẢ
Với "Lịch sử cái đẹp", Umberto Eco đã đưa người đọc lên một hành trình khám phá sự thay đổi liên tục trong cách người phương Tây định nghĩa cái đẹp.
Ông nhấn mạnh rằng mỗi nền văn hóa luôn gắn liền khái niệm về cái đẹp với ý tưởng về cái xấu, và việc phân biệt này thường khó khăn khi xem xét các phát hiện khảo cổ. Cuốn sách của ông là một cuộc du hành qua lịch sử nghệ thuật và các triết lý về cái đẹp. Ví dụ, Thánh Thomas Aquinas cho rằng cái đẹp bao gồm sự lộng lẫy và tỷ lệ hài hòa, với điều kiện nó phải hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nghệ thuật cũng có thể biến những hình ảnh xấu xí trở nên đẹp đẽ, như việc miêu tả Satan trong các tác phẩm nghệ thuật vậy.
Trong cuốn sách, cũng bàn về định nghĩa của cái đẹp ở phương Tây trong các thời kỳ khác nhau, từ thời Trung Cổ, khi cái đẹp được coi là con đường đưa con người ta đến với Chúa, đến thời kỳ Phục Hưng, khi nghệ thuật và cái đẹp bắt đầu được xem là tồn tại vì chính chúng, không cần ý nghĩa sâu xa.
Cuốn sách này không chỉ là một khảo sát về cái đẹp mà còn là một cuộc hội thoại giữa các triết gia, nhà thơ, và nghệ sĩ qua các thời kỳ, mang lại cho độc giả cái nhìn sâu sắc về sự tiến hóa của cái đẹp và cái xấu trong văn hóa phương Tây.