Là tác giả của 3 tiểu thuyết và các truyện ngắn nổi tiếng ở Pháp, Valérie Perrin thu hút độc giả bởi các tác phẩm có dung lượng lớn, nhưng được viết ra một cách hoàn hảo, chi tiết và đầy sức gợi. Trong đó Hoa vẫn nở mỗi ngày trở thành một hiện tượng lớn, đưa tên tuổi của bà ra khỏi biên giới.
- Bà có thể chia sẻ hành trình đến với văn chương của mình không? Được biết nó tương đối trễ?
+ Tôi thấy vô cùng hạnh phúc, nhưng ngay cả từ “hạnh phúc” cũng không đủ mạnh để diễn tả niềm vui mà tôi cảm nhận được trong vài năm qua. Tôi đã nói thế suốt nhiều năm rồi, nhưng với câu hỏi này, tôi vẫn trả lời thế thôi. Từ khi Hoa vẫn nở mỗi ngày được chuyển thể thành phim và thành công trên toàn cầu, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Điều này đã tạo động lực cho Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật được khám phá lại ở nhiều quốc gia, và tạo cơ hội cho cuốn Bộ ba mới nhất của tôi.
Bất chấp tất cả niềm vui này, chắc chắn sẽ có rất nhiều áp lực đối với cuốn tiểu thuyết tiếp theo, nhưng tôi cho rằng đó là điều bình thường. Mỗi lần viết cuốn sách mới, tôi lại tràn đầy căng thẳng và có cảm giác như là lần đầu bản thân đặt bút.
- Khi những tác phẩm của bà được chuyển ngữ sang tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến hơn, thì bà thấy thế nào?
+ Chỉ có thể nói là rất tuyệt vời. Hoa vẫn nở mỗi ngày và Bộ ba đã được xuất bản ở Vương quốc Anh, và cũng rất vui khi sắp tới là Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật. Đó là tác phẩm đầu tay, vì vậy tôi đã đặt tất cả những gì bản thân thích nhất vào cuốn sách này, gồm những giấc mơ, những chú chim và những người già. Tôi đặt từng nỗi ám ảnh của mình vào đó, thậm chí tôi còn kể về ông bà mình nữa. Cuốn sách đầu tay của các tác giả không bao giờ đơn giản, tôi nghĩ thế, vì tôi tin rằng chúng nói về những nỗi ám ảnh theo chân chúng ta suốt cả cuộc đời.
- Bà có thể chia sẻ về khởi đầu của mình không?
+ Để bắt đầu viết, cần có “tia lửa”. Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật là cuốn sách tôi viết vào cuối năm 1999, đầu năm 2000. Đó là câu chuyện do một chú hải âu thuật lại, kể câu chuyện của cặp vợ chồng Hélène và Lucien. Trong khi Hélène sống ở viện dưỡng lão và bị lạc lối trong trí tưởng tượng của mình, thì Lucien - người tình của bà, cố gắng đưa bà trở lại thực tại. Thời gian trôi qua, tôi mang theo cốt truyện này trong mình cho đến năm 2007. Khi tôi quyết định đi sâu hơn vào câu chuyện và thêm nhân vật người chăm sóc, người cuối cùng trở thành nhân vật chính, Justine, thì cuốn tiểu thuyết mới dần thành hình. Cô trở thành người kể lại câu chuyện của Hélène, Lucien và con hải âu. Đây là điểm khởi đầu.
Con gái tôi hiện đang chăm sóc những bệnh nhân lớn tuổi. Tôi đã đọc những cuốn sách của con bé, và nó cũng kể tôi nghe về cuộc sống hàng ngày của mình ở viện dưỡng lão. Ngoài ra cha của các con tôi là một nhà vật lý trị liệu và ông thường làm việc với những người già ở viện dưỡng lão. Ngay khi anh ấy trở về nhà sau giờ làm việc, anh ấy sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình với tôi. Thực ra, ngay từ khi còn trẻ, tôi đã rất quan tâm đến người lớn tuổi. Họ là một “kho” chứa đầy kỉ niệm, và tôi nghĩ điều quan trọng là phải lưu giữ kí ức của họ. Nó gần như là một nỗi ám ảnh của tôi.
- Còn các tác phẩm sau đó thì sao?
+ Tôi cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc và u sầu khi viết xong cuốn đầu tiên, rồi tôi gặp Violette ở một nghĩa trang. Khi độc giả của tôi đọc xong Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật, họ yêu cầu tôi viết tiếp. Tôi nhanh chóng nhận ra Violette có câu chuyện cuốn hút, vậy nên tôi viết Hoa vẫn nở mỗi ngày. Đối với Bộ ba, tôi tin rằng chúng ta luôn mang theo mình những cuốn sách hay để đọc trong lúc rảnh rỗi. Trong một lần nọ khi đọc Đừng tự dối mình của Phillippe Besson, tôi đã được truyền cảm hứng cho cuốn sách này. Tôi muốn viết về tuổi trẻ, tuổi thơ, những thành công và thất vọng xảy đến khi chúng ta 40 tuổi.
- Bà có thể chia sẻ thêm về cuốn sách mới nhất này không?
+ Nó là câu chuyện về 30 năm của tình bạn, tình yêu, ước mơ và những bí ẩn. Câu chuyện diễn ra vào năm 1986, khi Adrien Bobin, Étienne Beaulieu và Nina Beau cùng học năm cuối của bậc tiểu học. Tình cờ, tất cả họ đều được xếp vào cùng một lớp và trở thành bộ ba không thể tách rời. Từ sự thay đổi của cơ thể đến câu lạc bộ đêm, từ lời thề máu sẽ không cách xa khi trưởng thành cho đến dòng đời khiến họ gục đổ... Họ đã có khoảng thời gian gắn bó với nhau, thế nhưng cuộc đời không như là mơ.
Sau đó tôi dịch chuyển dòng thời gian về năm 2017, khi một chiếc ô tô được kéo lên từ đáy hồ ở thị trấn nhỏ nơi 3 người bạn lớn lên. Lúc này Virginie - một nhà báo tự do có quá khứ bí ẩn - kể lại câu chuyện. Cô biết rất rõ về ba người bạn. Nhưng mối liên hệ giữa vụ tai nạn xe hơi và câu chuyện tình bạn mạnh mẽ này là gì?
Mỗi cuốn sách của tôi được viết cách nhau 3 năm, vì tôi dành nhiều thời gian để viết chúng. Do đó chúng có cấu trúc rất chặt chẽ, được xây dựng dựa trên nhiều bí ẩn và diễn ra trong quãng thời gian dài, để tất cả có thể được trình diện rõ ràng.
- Tác phẩm của bà đều có được sự cân bằng giữa phong cách viết và cốt truyện thu hút. Đây có phải điều bà luôn theo đuổi?
+ Tôi đến từ thế giới điện ảnh. Tôi từng là nhà biên kịch. Có thể nói sách của tôi cũng giống như những kịch bản phim, tràn ngập lời thoại với những cuộc trò chuyện rất trực quan. Sách của tôi không quá khác biệt và không quá khó để chuyển thể thành phim vì chúng rất chi tiết, có bối cảnh rõ ràng và nhiều lời thoại.
Mỗi khi đặt bút tôi lại tái hiện hiệu ứng hình ảnh của cảnh ấy trong đầu, như thể tôi đang cầm máy và quay phim các nhân vật trong cả quá khứ cũng như hiện tại. Tôi không biết các tác giả khác có làm thế không, nhưng tôi hành động như một nhà báo trước khi viết xuống. Tôi đặt câu hỏi cho những người làm việc trong nghề mà nhân vật của tôi sẽ theo đuổi. Điều quan trọng là đặt câu hỏi để tìm ra sự thật về con người và cuộc sống hàng ngày của họ, cũng như những tình huống mà tôi sẽ đề cập trong tiểu thuyết của mình.
- Về mặt thời gian, có phải bà thích viết những câu chuyện có biên độ lớn?
+ Đúng là như thế. Chẳng hạn Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật diễn ra trong gần một thế kỉ. Tôi muốn xem xét tuổi già qua con mắt tuổi trẻ, xem xem tuổi trẻ có thể mang đến điều gì. Ngoài ra tôi cũng thích viết về những câu chuyện mang tính thế hệ.
- Cách miêu tả nhân vật của bà cũng rất độc đáo. Bà có hóa thân vào họ mỗi khi viết không?
+ Nói về điều này, tôi nợ điện ảnh một lời cám ơn, cũng như là các diễn viên Jean-Louis Trintignant, Johnny Hallyday, Sandrine Bonnaire, Jean Dujardin... và nhiều người khác. Tôi phải đặt mình vào vị trí của họ để tạo ra những bối cảnh cũng như lời thoại. Việc từng trải qua chính những trải nghiệm mà những người trẻ và ngang tuổi tôi đã phải trải qua giúp tôi rất nhiều. Cộng với ảnh hưởng từ phía điện ảnh, tôi có thể bước vào tâm trí của một đứa trẻ cũng như người già. Tôi có thể cảm nhận được cảm xúc của họ, bất kể tuổi tác hay tầng lớp xã hội.
- Có tác giả nào truyền cảm hứng cho bà không?
+ Việc mọi người ảnh hưởng đến tôi là điều không thể tránh khỏi và tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với họ trong những cuốn sách của mình. Tôi luôn ghi ơn cuốn sách From the Land of the Moon của Milena Agus trong việc giúp tôi đặt bút. Tôi nghĩ đây là cuốn sách giúp tôi nhiều nhất trong việc thực hiện những bước đầu tiên để viết cuốn Những người bị lãng quên ngày Chủ nhật. Đó là câu chuyện về một cô gái trẻ kể về người bà mà cô yêu quý. Đó là một cuốn tiểu thuyết tinh tế, mạnh mẽ, tràn ngập tình yêu. Một điều chắc chắn là nó giúp tôi vượt qua rào cản và viết.
- Có cuốn sách nào bà muốn sẽ được nhanh chóng chuyển sang tiếng Anh không?
+ Tất nhiên là có. Chẳng hạn như Les Déferiantes của Claudia Gallay, một trong những cuốn sách yêu thích của tôi. Ngoài ra là Ensemble, C'est Tout (tựa Việt: Chỉ cần có nhau) của Anna Gavalda hay Le gút des poires anciennes của Ewald Arenz đã thành công rực rỡ ở Đức và là cuốn sách rất tinh tế.
- Và câu hỏi cuối, bà có đánh giá cuốn sách nào đó qua bìa của nó không?
+ Có khả năng đấy. Gần đây tôi đã mua một cuốn sách chỉ vì bìa sách quá đẹp. Tôi không thể cưỡng lại việc mua một cuốn sách đẹp khi bước vào hiệu sách. Ngoài ra, tôi chưa bao giờ đọc bìa sau mà chỉ đọc trang đầu tiên. Trang đầu sẽ quyết định xem tôi muốn đọc tiếp hay không. Tôi chỉ đọc bìa sau khi đã đọc xong cuốn sách, để xem họ tóm tắt nó như thế nào. Tôi không thích khi ai đó kể cho tôi nghe điều gì xảy ra trong một cuốn sách trước khi đọc nó.
LINH TRANG dịch từ bài phỏng vấn của Madeline Knowles.