“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”: Hồi ức chân thực về cuộc chiến nơi biên cương phía Bắc

Thứ Ba, 26/09/2023

Báo Biên Phòng

Biên phòng - Tập hồi ký “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long - một người lính từng tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vừa ra mắt độc giả sáng ngày 12/2/2023. Cuốn sách như những thước phim quay chậm đưa độc giả trở lại với một thời đạn bom khói lửa cách đây hơn 40 năm.  

Tác giả Nguyễn Thái Long chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Khánh Thư

Năm 2018, vào dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc bảo vệ Tổ quốc, tác giả Nguyễn Thái Long cùng nhiều đồng đội đã trở lại Cao Bằng để dự cuộc họp mặt cựu chiến binh Trung đoàn 567. Gặp lại những đồng đội từng sống chết bên nhau; dừng chân ở những địa danh, bản làng, ngọn núi, con sông nơi chiến trường xưa…, những ký ức của những năm tháng tuổi trẻ nơi dải đất biên cương lại ùa về trong ông. Từ những tiếc thương, xót xa, đau đáu…, Nguyễn Thái Long viết bài thơ “Đêm trắng 17 tháng 2”. Và cũng chính “đêm trắng” ấy, ông ấp ủ dự định viết tập hồi ký về cuộc chiến năm xưa.

“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” dày gần 400 trang với 5 phần nội dung chính là: Cao Bằng một dải biên cương, Khau Chỉa 12 ngày đêm khói lửa, Trở lại Tà Lung, Vị Xuyên - lời thề trên đá, Những người lính trở về. Cuốn sách tái hiện một cách chân thực và sinh động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang).

Với tâm huyết và niềm đau đáu của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đã đưa vào tập sách tất cả những tư liệu mà ông dày công khai thác, sưu tầm, với hi vọng thế hệ hôm nay không bao giờ quên những Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên - nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567. Từ góc nhìn của người trong cuộc (Nguyễn Thái Long khi đó là y sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 567 - Trung đoàn Phục Hòa - Khau Chỉa), tác giả đã đưa bạn đọc trở lại với cuộc chiến năm xưa qua những hồi ức không dễ nguôi quên của ông và đồng đội.

Đó là ký ức về Khau Chỉa 12 ngày đêm khói lửa với những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man…; ký ức về Tà Lùng với trận Canh Man, bệnh xá trong dân và hoa gạo nơi biên cương; ký ức về Vị Xuyên với những trận giành giật ác liệt ở đồi A6b, đồi Đài, đồi Cô Ích, dãy Đá Pháp… Những trận mai phục tài tình khiến địch hoảng hồn khiếp vía, những chiến thuật đánh trả mưu trí, gây thiệt hại lớn cho địch… Tất cả đều được tác giả khắc họa một cách chân thực và sống động.

Đáng chú ý, trong “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, Nguyễn Thái Long còn dành nhiều trang viết để nói về “Những người lính trở về” - những người đồng đội năm xưa của ông. Họ không chỉ tỏa sáng khí phách anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn thể hiện phẩm chất cao đẹp của “người lính Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống đời thường. Khép lại cuốn sách, người đọc không quên hình ảnh bố Hoan - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vẩy những phát súng ngắn, chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch; cậu lính trẻ Mai Xuân Quang một mình chiến đấu giữa vòng vây trùng điệp của quân thù… Những tên đất, tên người xuất hiện dày đặc trong cuốn sách, giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như những mất mát, hi sinh của quân dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Không chỉ đơn thuần là người ghi lại các thông tin, sự kiện khô cứng theo cách thức của một người viết sử, Nguyễn Thái Long còn kể lại câu chuyện của mình, của những đồng đội mình với nhiều cung bậc cảm xúc: khi nhớ thương, lúc căm phẫn và cả những đau đáu…

Tập hồi ký “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” của tác giả Nguyễn Thái Long. Ảnh: Khánh Thư

“Tôi không phải là nhà văn, nhà báo, nên cuốn sách viết ra thật khó khăn và phải viết đi viết lại nhiều lần. Nhưng nếu không viết ra, tôi như người mắc nợ các anh em đồng đội của mình, mắc nợ nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng chúng tôi chiến đấu, và có lỗi với con cháu mình, vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên - nơi mấy chục năm trước đã thấm đẫm máu đào những người lính biên cương, những người lính Trung đoàn 567” - tác giả Nguyễn Thái Long bộc bạch.

Trong lời đề tựa cuốn sách, Phó Giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá cao tâm huyết của tác giả Nguyễn Thái Long khi thực hiện tập sách này. “Việc ghi chép lại những thông tin, tư liệu quý giá như Nguyễn Thái Long đã làm trong cuốn hồi ức “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” cũng là điều không hề đơn giản và đáng trân trọng vô cùng. Cùng với nhiều cuốn sách khác, “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” đã để lại cho các thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá mà nhờ đó, họ sẽ được sống lại và cảm nhận được “hơi thở”, “nhịp đập”, “sức nóng” trên chiến trường Cao Bằng - Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1989 nói chung. Và cũng qua đó, các thế hệ sau hiểu được tinh thần chiến đấu quả cảm nhưng nhân văn, nhân ái của quân dân ta” - Phó Giáo sư, Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Tác giả Nguyễn Thái Long sinh năm 1955, quê ở Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Ra trường, ông được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau đó làm Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015.

Khánh Thư

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024