Nếu một người đàn ông (hoặc một cậu trai sắp trở thành đàn ông) nào đấy hỏi tôi rằng họ nên chọn cách sống như thế nào để có một cuộc đời ý nghĩa, tôi sẽ không ngần ngại giới thiệu với họ về Mevlut. Người mà tôi vừa nhắc đến chính là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Xa lạ trong tôi” của nhà văn Orhan Pamuk, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt giải Nobel Văn học vào năm 2006. Thế nhưng, đừng vội nghĩ rằng Mevlut là một anh hùng hay một người đáng trọng vọng gì cả. Anh chỉ là một người đàn ông bình thường đi bán rong ở đường phố Istanbul, trong một câu chuyện cũng bình thường và không có gì là “đao to búa lớn”. Hãy nán lại và nghe tôi nói về người bán boza tên Mevlut Karatas cùng bức tranh cuộc sống của anh ở Istanbul trong khoảng hơn vài chục năm (1969-2012), để biết rằng vì sao tôi lại quý mến anh đến thế.
Orhan Pamuk là một nhà văn đã viết nhiều về quê hương ông – Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. “Xa lạ trong tôi” cũng là một câu chuyện được lấy bối cảnh tại Istanbul, nơi mà nhiều người đã tìm đến sinh sống sau khi rời khỏi những làng quê nghèo, trong đó có Mevlut. Song hành bên cạnh câu chuyện về cuộc đời, về cái nghề bán thức uống boza truyền thống của Mevlut cùng những người thân, anh em, bạn bè của anh, tác giả còn cho ta thấy sự chuyển mình và phát triển của Istanbul theo hướng hiện đại hóa. Giữa thời đại giao thoa đó, Mevlut như một điểm sáng, một cái neo giúp giữ lại những giá trị truyền thống tốt đẹp và là hình tượng về một người đàn ông chân thành, giản đơn cùng một lòng quyết tâm mưu cầu hạnh phúc.
Chuyến tàu hành trình cuộc đời của Mevlut xuất phát như một giấc mơ – bạn sẽ được đón nhận thông tin rằng anh đang trong một cuộc bắt cóc và chạy trốn ngay trong đêm, với một cô gái mà anh sẽ lấy làm vợ nhưng thực chất lại không phải là người mà anh thầm yêu. Nghe có vẻ hơi trái ngang nhưng chính vì duyên số kỳ lạ này đã dẫn Mevlut (lẫn chúng ta) vào một hành trình không đoán trước với không ít những điều thú vị lẫn biến cố, thăng trầm. Sau đó, tác giả lại dẫn chúng ta trở về nơi bắt đầu và kể lại cho ta nghe câu chuyện từ khi Mevlut còn nhỏ, cho đến khi rời làng lên Istanbul học, bán boza, làm từ nghề này đến nghề kia, lấy vợ sinh con rồi về già. Thế đấy, câu chuyện chỉ quanh đi quẩn lại về những sự kiện trong cuộc đời của Mevlut. Đọc nó ta có thể liên tưởng đến chính mình vì ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, trong Mevlut cũng tồn tại những điều mà chúng ta quan tâm, lo nghĩ. Cuốn tiểu thuyết này không được đặt trong một bối cảnh quá đặc biệt như chiến tranh, không có những tình tiết quá gây sốc, càng không có yếu tố huyền ảo nào. Nó chỉ đơn giản là ghi lại cuộc sống của con người cùng những đổi thay ở nơi đây. Vậy tại sao với loại câu chuyện như thế này, tôi lại bị cuốn hút và vẫn kiên nhẫn theo dõi đến cùng? Bởi tôi nhận ra qua từng sự kiện, từng cái vụn vặt trong cuộc sống của Mevlut đều cho tôi thấy khát vọng vươn lên và mong cầu hạnh phúc của anh. Trong tác phẩm, Mevlut có thể không phải là người giỏi nhất, giàu nhất cũng như không phải là một người hoàn hảo hay hoàn toàn tốt đẹp. Thế nhưng Mevlut vẫn là một người đàn ông tuyệt vời với ý chí vô cùng kiên định, tấm lòng chân thành và thành thật với bản thân. Anh thích bước đi trong đêm tối ở Istanbul để khiến mình khuây khỏa, anh thích đi bán boza vì anh trân trọng nó và muốn gìn giữ truyền thống mặc dù nghề này không kiếm được bao nhiêu. Nhìn cái cách anh nói và cảm nhận về Istanbul cũng như boza, ta có thể thấy đó là những gì xuất phát từ đáy lòng và dễ dàng đồng cảm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng Mevlut vẫn chăm chỉ làm việc và luôn cố vực dậy bản thân. Chỉ qua những con chữ nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được ở Mevlut một niềm khát khao mãnh liệt rằng anh muốn có được hạnh phúc. Trên tất cả, điểm sáng nhất ở Mevlut đó là anh có một trái tim yêu thương chân thành. Với anh, tình yêu là thiêng liêng và anh yêu vì cảm xúc, vì khát vọng được yêu chứ không phải là ham muốn những dục vọng tầm thường. Dõi theo từng bước trong cuộc đời Mevlut, tôi dần nhận ra được trong anh tồn tại những khía cạnh tốt đẹp và một tâm hồn lương thiện. Tôi đọc, và hồi hộp, và mong chờ rằng đến cuối cùng anh sẽ được hạnh phúc.
Tôi mạo muội nghĩ rằng, Orhan Pamuk tạo ra Mevlut là để dành cho Istanbul. Giữa một thành phố đang “thay da đổi thịt”, tồn tại một Mevlut hoài cổ như đại diện cho những giá trị truyền thống tốt đẹp còn sót lại và sẽ luôn song hành cùng với sự hiện đại. Mevlut là tất cả những gì mà Orhan Pamuk trông đợi (có thể) ở con người Istanbul: không ngừng vươn lên nhưng vẫn không đánh mất bản thân mình. Rõ ràng rằng tuy sống giữa một thế giới đầy những toan tính và những biến động, đổi thay (một số nhân vật tuy không hoàn toàn là xấu nhưng vẫn có những lúc bộc lộ sự cực đoan, đố kỵ hay lừa lọc), và tuy đôi lúc bị khinh miệt nhưng Mevlut vẫn không bị tha hóa, vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của mình. Hạnh phúc đối với Mevlut rất đơn giản, như là thích đi bán boza trên đường phố Istanbul về đêm, thích ở bên gia đình nhỏ của mình, thích những giây phút hạnh phúc bình dị, trân trọng và nâng niu những giá trị truyền thống cổ xưa,… Đôi lúc, sự cố chấp và cứng đầu của Mevlut khiến ta phát bực, vì anh liên tục từ bỏ việc nắm lấy những cơ hội có thể làm cho cuộc sống của anh trở nên sung túc và an nhàn hơn. Thế nhưng ta sẽ dần hiểu được rằng, những sự lựa chọn của Mevlut sẽ khiến anh yên lòng vì nó không đi ngược lại với bản chất vốn có của anh. Anh có thể không giàu có, nhưng cuộc đời của anh thì vô cùng giá trị. Giá trị đó chính là được sống như những gì mình muốn, sống bên cạnh người mình yêu thương và tâm hồn không bị đè nén bởi bất kỳ tội lỗi nào. “Xa lạ trong tôi” cùng hình tượng của Mevlut là một câu chuyện mà có lẽ sẽ làm tôi khó lòng quên được.