Tổng thống Abraham Lincoln từng nói khi gặp Harriet B. Stowe: “Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách khơi dậy cuộc chiến vĩ đại này.” Chính câu nói này đã đưa mình đến với “Túp lều bác Tom”, bức tranh về nạn Phân biệt chủng tộc, nạn buôn bán nô lệ diễn ra ở Hoa kỳ, thế kỷ 19.
Tiểu thuyết phơi bày nạn buôn bán nô lệ, xem con người như công cụ làm ăn, món hàng đổi chát vì lợi nhuận. Bác Tom, nhân vật chính tác phẩm, đại diện cho tầng lớp nô lệ da đen bị bán qua tay biết bao người chủ, chịu biết bao cực khổ, bị đánh đập tàn nhẫn, bị bóc lột sức lao động dã man, bị chia cắt gia đình … Cuối cùng, để bảo vệ phẩm giá, bác Tom bị đánh chết ở đồn điền trồng bông miền Nam nước Mỹ.
“Túp lều bác Tom” một cuốn sách khá dày, nhưng lại đọc nhanh hơn mình nghĩ, mình bị cuốn theo cuộc đời các nhân vật trong câu chuyện của Harriet B. Stowe. Tác giả ca ngợi lòng trung thực, tôn trọng phẩm giá của người nô lệ da đen, họ khao khát tự do, tha thiết được giải phóng. Đồng thời, lên án những người chủ nô lệ, lên án luật pháp lúc bấy giờ đã ủng hộ chế độ nô lệ tàn nhẫn, mất tính người và khích lệ những con người có lương tâm đứng lên đấu tranh tiêu diệt nó.
Chia sẻ cùng mn đoạn trích ngắn, mình khá thích:
“Bác Tom ngồi bên cạnh bác gái, cuốn Thánh kinh để mở trên đầu gối. Hai người chẳng ai nói gì. Những đứa con vẫn còn đang ngủ. Bác Chloé đặt chiếc bàn là xuống, đến ngồi bên bàn và cất tiếng: – Em biết cần phải nhẫn nại, nhưng giá như ít ra em cũng được biết mình sẽ ở đâu và người ta đối xử với mình như thế nào! Bà chủ nói là trong vòng một hay hai năm, bà sẽ chuộc lại mình. Nhưng những ai đã đi xuống miền Nam thì chẳng bao giờ.trở lại. Em biết rất rõ người ta đối xử với họ thế nào trong các đồn điền.- Tôi là người bị bán đi, – bác Tom trả lời, -chứ không phải là mình và các con. ở đây, mình và các con được an toàn. Điều gì xảy đến sẽ chỉ xảy đến với riêng mình tôi thôi, và chúa sẽ phù hộ tôi.- Không đúng đâu, ông chủ không được bán mình đi! ông ấy phải cho mình được tự do. Lẽ ra ông ấy phải giải phóng cho mình từ nhiều năm nay rồi. Chính mình là người lo toan mọi việc cho ông ấy.- Chloé, mình đừng nói như thế. Những người chủ vẫn quen được người ta làm mọi việc vì họ… nhưng ông chủ của chúng ta tốt hơn những người khác nhiều. ông ấy sẽ không để tôi phải đi nếu ông ấy có thể làm khác được, tôi biết chắc như thế.- Tất cả những điều đó không làm em khuây khỏa được đâu. Để em dọn cho mình một bữa ăn cuối cùng.”
Nếu quan tâm đến nạn phân biệt chủng tộc, bạn nên một lần đọc tác phẩm kinh điển này, “Túp lều bác Tom” của nhà văn Harriet Beecher Stowe – người phụ nữ nhỏ bé, suốt một đời trăn trở và hành động với mong muốn mang lại cuộc đời tốt đẹp và công bằng cho người nô lệ da đen.