Chắc hẳn bạn sẽ tìm tới cuốn sách này sau khi đã quá ấn tượng với Bóng hình của gió (hoặc Tù nhân của thiên đường) vì tớ cũng thế hihi. Tuy nhiên nếu bạn mới biết tới Trò chơi của thiên thần thì okay, cuốn này đọc khá ổn nhưng hơi “nặng đô” hơn (một chút) so với hai phần kia, nên để recommend đọc thì tớ vẫn cứ là rec cho các bạn quẩy Bóng hình của gió đầu tiên nhé :'D Mang tiếng là bộ nhưng yên tâm bạn có thể đọc riêng lẻ được nha.
Okay let's get ittt, trở lại nội dung chính nào.
Trò chơi của thiên thần vẫn được tác giả Zafón lấy bối cảnh của một Barcelona náo động những năm 1920, trong những tháng ngày rong ruổi cuồng nhiệt, miệt mài của nhà văn trẻ David Martín với sự nghiệp viết văn của mình và đau đáu nỗi đau về một tình yêu tan vỡ. Cho tới khi David Martín dọn vào sống tại ngôi nhà có tòa tháp bị bỏ hoang đã rất lâu, một ngôi nhà mang lại vận rủi, người ta cảnh báo David như vậy nhưng anh bất chấp dọn vào sống ở đó bởi anh tin ngôi nhà này chỉ dành cho anh, đang chờ anh. Quả đúng vậy, trong quãng thời gian sinh sống tại căn nhà này, David vô tình chạm vào những câu chuyện và các bóng ma ám ảnh, vô tình mở ra cánh cửa đã bị khóa kín từ rất lâu, dấn thân vào hành trình khám phá về quá khứ tưởng như bị chôn vùi. Chưa dừng lại ở đó, một ngày nọ, anh nhận được lời mời kỳ lạ của chủ một nhà xuất bản bí hiểm: “viết một cuốn sách chưa từng có trên đời, một câu chuyện mà vì nó người ta có thể sống và cũng có thể chết, có khả năng giết người và cũng có khả năng bị giết hại”, đổi lại David sẽ có được cả gia tài đồ sộ. Tuy nhiên, mạng sống của David và mạng sống của tất cả người anh yêu quý đều bị đe dọa kể từ sau khi anh quyết định ký vào bản hợp đồng quỷ quái. David chẳng thể ngờ, anh đã dâng linh hồn mình cho quỷ dữ.
Mở đầu câu chuyện này rất ổn, tác giả Zafón đã xây dựng một câu chuyện đầy hứa hẹn về nội dung, khi hiện tại và quá khứ như thể vặn xoắn vào nhau và cứ thế từ từ vén mở tấm màn bí mật, thật sự đỉnh, nhất là mối liên hệ không ngờ tới của David và chính ngôi nhà có tòa tháp anh đang ở cũng như tác phẩm mà David phải chắp bút viết. Các tuyến nhân vật cực kỳ hay ho, tác giả duy trì được lối viết hài hước và đương nhiên không thể không nhắc tới Nghĩa trang những cuốn sách bị lãng quên – nơi khởi đầu mọi câu chuyện xuyên suốt bộ ba tác phẩm này và cũng là ý tưởng tớ đặc biệt thích nhất của tác giả. Nếu như bạn ham mê sách, đam mê viết lách thì câu chuyện này chắc chắn dành cho bạn, bởi vì Trò chơi của thiên thần chính là con chữ ngập tràn trong các con chữ, một cuốn sách-viết-về-sách, thể hiện qua niềm đam mê đến ám ảnh của David trong việc sáng tác văn chương và sự vui thích được đắm mình trong các câu chuyện của anh.
Chúng ta sẽ được gặp lại Hiệu sách Sempere & Con trai – một không gian chất chứa hàng ngàn cuốn sách và hàng ngàn mảnh đời sống trong các câu chuyện, với một ông chủ tiệm yêu thương David vô cùng, cũng là người đã tặng cho nhà văn trẻ cuốn sách đầu tiên trong cuộc đời. Điểm ấn tượng nữa đối với những bạn đã đọc hai tác phẩm trước là chúng ta sẽ có màn cross-over của các nhân vật trong Bóng hình của gió, có bao giờ bạn tò mò cuộc đời của cha mẹ Daniel trong Bóng hình của gió diễn ra như thế nào, thì đây chính là câu trả lời dành cho các bạn. Màn tương tác của David và Isabella trong tác phẩm này là điều tớ yêu thích nhất, như kiểu hai người này hợp rơ với nhau một cách quá thể luôn. Họ là mối quan hệ nâng đỡ nhau, người này vì người kia và phải kể đến những cuộc đối thoại hài hước nhưng không kém phần thâm thúy đan xen cà khịa giữa David và Isabella. Tớ thậm chí còn chèo bè đẩy thuyền cho hai người này cơ ấy thế mà đời không như mơ, tác giả lại cho David rơi vào mối tình đẫm nước mắt khác, nhưng thôi, hai người này làm bạn tốt với nhau hợp tình hợp lí hơn hị hị. Bên cạnh đó, anh con trai của ông chủ tiệm sách cũng là một nhân vật ổn áp luôn, cứ ngại ngại tri thức kiểu đáng yêu thế nào ấy lol, đọc đến cuối đúng phải ồ, à lên, thích thú với mấy màn cross-over giữa các nhân vật trong bộ sách này lắm nhá.
Lý do tớ nói cuốn này “nặng đô” hơn là bởi nó mang kha khá triết lý và yếu tố tôn giáo, nhất là trong những cuộc đối thoại của David và ông chủ nhà xuất bản bí hiểm, một vài đoạn phải đọc đi đọc lại mới hiểu nên đâm ra hơi hoang mang Hồ Quỳnh Hương nhẹ. Quá trình nhà văn trẻ của chúng ta khám phá ra sự thật về quá khứ cũng hơi ngộp và phải chú thích lại kẻo quên xừ mất chi tiết. Và có lẽ sự khó hiểu sẽ làm bạn hơi nản chí trong quá trình đọc, nhất là đối với cuốn sách to bự như thế này và phải kể đến đoạn kết làm tớ một giây em bâng khuâng tí, nội dung tớ đánh giá tuy siêu to khổng lồ hơn nhưng thực sự cá nhân tớ thấy không bằng so với hai cuốn trước, nhưng để đọc thì vẫn ổn nhá, chưa kể có kha khá quote hay ho trong nè lắm.