Review sách: Trình Tự Kudryavka – Honobu Yonezawa

Thứ Sáu, 15/09/2023

4/5

Đọc fiction mang tính deep dark nhiều quá thì lâu lâu đổi gió sáng đọc  học đường nhẹ nhàng cũng được đó. Trước Trình Tự Kudryavka thì  đã cho xuất bản Kem Đá và Thằng Khờ cùng bộ này rồi, đọc cũng lâu nên tớ cũng chỉ nhớ qua nội dung chính thôi chứ chẳng nhớ cách dịch thế nào, cơ mà mị ưng nội dung lắm nên trước khi đọc Kudryavka, các bạn có thể đọc hai cuốn đó trước để hiểu kỹ hơn về dàn nhân vật chính cũng như sơ qua về tính cách từng người hén.

Quay trở lại với Trình Tự Kudryavka, một lần nữa chúng ta đồng hành cùng CLB Cổ Điển trường Kamiyama với bức phông nền chính là Lễ hội  truyền thống sôi nổi được tổ chức hàng năm của trường. Mọi chuyện diễn ra rất bình thường cho đến khi các thành viên CLB mới tá hỏa số lượng tập san “Kem Đá” của cả team bị in lỗi nên dư ra nhiều quá thể đáng, mà chắc kèo là họ không thể nào tẩu tán được số lượng khổng lồ này trong vỏn vẹn 3 ngày Lễ hội được. Đang loay hoay không biết xử lý ra sao thì cùng lúc đó, một tên “siêu trộm” xuất hiện và mỗi lần xuất chiêu, hắn lại thó đi của mỗi CLB tham dự Lễ hội một món đồ: quân cờ vây, lá bài, khẩu súng nước, vv… Ồ giải  đây rồi: CLB Cổ Điển sẽ quyết định tóm gọn tên trộm này để cả trường có thể biết tới danh tiếng CLB, nhờ đó hoàn thành mục tiêu bán sạch tập san. Và thế là một lần nữa, chàng “thám tử” Hotaru bất đắc dĩ của CLB Cổ Điển lại bị chúng bạn lôi vào một bí ẩn mới.

Lúc đầu khi đọc Trình Tự Kudryavka, người đọc sẽ bị choáng ngợp bởi sự đồ sộ của các hoạt động cũng như mật độ dày đặc của các CLB trong trường Kamiyama luôn. Nhiều khi tớ cũng phải khưng lại tí vì choáng bởi Kamiyama sao giống ngôi trường mơ ước thời còn đi học thế không biết: nhiều hoạt động sôi nổi và các CLB còn quẩy rất tích cực á. Nhưng đúng là vì quá nhiều như vậy nên tác giả Honobu Yonezawa có chút sa đà vào việc giới thiệu từng CLB tham gia Lễ hội và gây ra hiệu ứng ngáp dài cho người đọc, nhưng không sao cứ làm tí liều cà phê hoặc bỏ ra chút kiên nhẫn là ổn. Nhưng bên cạnh sự dài dòng văn tự ở phần đầu đó thì Honobu Yonezawa lại làm khá tốt trong việc lột tả nội tâm cũng như cá tính 4 nhân vật trong CLB Cổ Điển: Chitanda, Fukube, Mayaka và Hotaru – bằng cách kể đan xen góc nhìn của từng nhân vật trong CLB và dĩ nhiên, từng người trong số họ đều được xây dựng một tình huống mang màu sắc riêng. Qua đó, người đọc có thể khái quát được cho mình tính cách của dàn nhân vật chính của chúng ta vậy đó. Cơ mà cũng phải nói nhỏ, cuốn Trình Tự Kudryavka tớ tưởng sẽ mỏng nhẹ êm ái như hai phần trước đó cơ nhưng mà không, ới giời ơi sao nó dày một cách kỳ lạ lúc nhận sách có chút bàng hoàng không hề nhẹ. Đúng là đọc Trình Tự Kudryavka là một cách để thử sức nhẫn nại của bạn đọc, vì tới tận hơn nửa cuốn tác giả mới bắt đầu phần thi tăng tốc cơ nhưng mà không sao, lửa thử vàng gian nan thử sức nên từ từ rồi khoai sẽ nhừ nha mấy bồ.

Điểm tớ thích ở cuốn sách này thứ nhất là vì chiếc bìa đẹp dã man con ngan (mua bản đặc biệt còn kèm bookmark và postcard xịn xò nữa), thứ hai là cách Honobu xây dựng được một “tình huống riêng” rất thú dzị dành cho anh chàng thám tử bất đắc dĩ Hotaru. Và thứ ba cũng là yếu tố khiến tớ khoái nhất đó là Trình Tự Kudryavka còn mở ra cho người đọc một mối liên hệ mật thiết tới các tác phẩm trinh thám của Agatha Christie, ngạc nhiên chưa. Nên là những bạn nào đã đọc Agatha rồi thì hẳn là sẽ có thêm một cảm giác yomost khi đọc cuốn này đó. Cái tên Trình Tự Kudryavka cũng ẩn một lớp ý nghĩa liên hệ trực tiếp tới một tác phẩm tớ cực kỳ thích của Agatha Christie đó. Mang tiếng là trinh thám, cơ mà cuốn này kiểu học đường nhẹ nhàng nên đọc khá ổn, nhiều khi tác giả còn lồng ghép mấy đoạn gây cười đúng chất học trò rất duyên. Cũng qua tác phẩm này, Honobu cũng đan xen thêm cả những bài học và những tình huống ghen thua, thậm chí là những cảm giác tự ti thua kém bạn bè mà bản thân chúng mình ai cũng đã từng trải qua thời còn cắp sách đến trường nên nhiều khi thấy mấy em nhân vật gần gũi với bản thân một cách kỳ luôn đó. Tuy nhiên tớ thực sự muốn tác giả dành thêm nhiều đất diễn hơn dành cho anh chàng Hotaru cũng như cách mà Hotaru suuy luận “phá án”, đôi lúc đọc thấy cái CLB này ăn may là phần nhiều và quá trình “bắt giữ tội phạm” cũng không được hoành tá tràng, cảm giác như Honobu đã dành quá nhiều thời gian cho nửa đầu mà bị hết hơi ở phần cuối ấy, mặc dù cách Hotaru phá án phần nào cũng hợp tình hợp lí.

Dù vậy, Trình Tự Kudryavka đối với tớ cũng là một cuốn sách ổn, thực ra nói trinh thám thì không hẳn vì yếu tố trinh thám cũng nhẹ nhàng lắm chứ không xoắn não các kiểu con đà điểu đâu. Cơ mà thôi cứ coi đây là một cuốn sách bí ẩn học đường đi, bạn nào mê Kem Đá và Thằng Khờ thì đừng bỏ lỡ Trình tự Kudryavka nhá. Hoặc ai muốn ôn lại chút không khí thời áo trắng cũng có thể tìm đọc cuốn nè luôn, ai lại phân vân trước một chiếc bìa xinh thế này làm gì. Múc thôi.

Review của độc giả Nguyen Tam Anh – Nhã Nam reading club