Thuật Sĩ – cái danh xưng nghe có vẻ yếu đuối hơn rất nhiều so với bản lĩnh thực sự của họ, đây là điều các game thủ mê tựa game thực chiến từng tâm sự, họ muốn 1 cái tên hiên ngang hơn, khí phách hơn, không hoành tráng hơn thì cũng phải ngang ngửa cái tựa game đã ăn vào máu thịt; “Thợ Săn Quái Vật” mà họ đang mê như điếu đổ. Nhưng thực ra, cái tên chỉ là cái tên, sự thật khủng khiếp sau cái tên đó mới là điều mà các mọt mê Fantasy cần khám phá.
Thuật Sĩ là người văn võ song toàn, trên hiểu thiên văn, dưới dành địa lý, còn các kỹ năng thực chiến và khả năng sinh tồn trong trùng trùng hiểm nguy thì khỏi phải bàn, vẫn sống dai như đỉa qua các kiếp nạn là đủ hiểu rồi, ai cũng thấy. Thế nhé.
Chữ thuật là một danh từ đại diện cho 1 lĩnh vực đặc thù, và tất nhiên Thuật Sĩ rất giỏi các kỹ năng sau:
– kiếm thuật
– Võ thuật
– Y thuật
– Pháp thuật
– Chiến thuật
Như 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự, người có thiên bẩm trác tuyệt thì có thể học được 5-7 tuyệt kỹ, kẻ có ngộ tính cao được chọn lọc cho các vị trí trọng yếu thì được trau dồi lãnh hội đến 3-5 tuyệt kỹ, người thông minh chăm chỉ cộng thêm chút may mắn thì học được 2-3 tuyệt kỹ, còn lại những người khác nếu học được đến nơi đến chốn 1 tuyệt kỹ thôi cũng có thể ngẩng cao mặt đi lại giữa chốn giang hồ.
Tự nhiên kể chuyện 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự nghe có vẻ vô duyên và hơi lạc đề, nhưng thực ra rất liên quan nha. Để học được các “thuật” như trên, cũng như có thể học được nhiều tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự thì bất kỳ là ai cũng cần có một trí thông minh vượt trội và một ý chí học hỏi bền bỉ hơn người. Vậy chữ Sĩ ở đây có thể được hiểu như Sĩ Tử, là người trí thức am hiểu văn chương cũng như các kiến thức về văn hoá, xã hội… chứ không phải chỉ là hữu dũng vô mưu. Chưa hết, chữ Sĩ còn bao hàm cả khí chất oai phong của một con người mạnh mẽ can trường như; dũng sĩ, tráng sĩ, đấu sĩ…
Mới là tập đầu mà những trận chiến giữa Thuật Sĩ và các loài quái vật kỳ dị, lạ lùng đã diễn ra vô cùng căng thẳng. Đọc hồi hộp kinh khủng, cảm giác như quả tim muốn rớt ra ngoài lồng ngực mỗi khi Thuật Sĩ rơi vào tình huống nguy hiểm với những vết thương chí mạng ở những thời điểm chẳng ai ngờ tới, trừ tác giả. Các lời thoại thì thôi rồi, bất ngờ, hài hước, tưng tửng & mang đậm màu sắc cổ tích huyền hoặc. Cười muốn rớt quai hàm!
Thuật Sĩ có trái tim đa cảm si tình không nhỉ? Họ có biết yêu không? Hay ngay cả đến yêu, cái chỉ thuộc về cảm xúc, họ cũng phải học, và khi đó, mỗi khi nhắc đến Thuật Sĩ chúng ta sẽ có thêm 1 thuật ngữ: YÊU THUẬT.
Tình yêu trong Thuật Sĩ có độc, lạ, nức nở, thổn thức không nhở, thôi thì hãy cùng tôi lật giở từng trang để khám phá nhé.