[Review] Thợ xăm ở Auschwitz
Nếu tác giả không nói đây là một tác phẩm dựa trên một câu chuyện có thật thì mình thấy khá khó tin, bởi nhân vật chính – Lale – quá may mắn. Theo truyện Trung Quốc thì đây là nhân vật có “bàn tay vàng”. Nhưng cũng đúng thôi, anh ta gặp họa không chết cũng vì anh đối tốt với mọi người nên được giúp lại.
Đọc truyện, bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của việc biết ngoại ngữ, Lale biết 6: tiếng Slovakia, Đức, Nga, Pháp, Hung và một ít tiếng Ba Lan. Cũng nhờ giỏi ngoại ngữ mà anh kiếm được công việc tốt trong trại giam: thợ xăm, tại trại giam giam giữ người Do Thái – nơi người ta bị bắt chẳng vì tội gì và bị giết vì đi vệ sinh.
Rồi cơ hội cũng đến: Lale tìm được nguồn cung cấp thức ăn thêm, những ngọc ngà châu báu thậm chí cả tiền. Anh không giữ riêng cho mình những thứ đó, trong trại chỉ có thức ăn là đáng giá, anh chia cho các bạn tù và người anh yêu – Gita.
Gita là cô gái anh xăm số lúc vào trại, chỉ một ánh mắt anh biết mình đã yêu rồi. Mình vẫn nhớ ánh mắt kia, nên yêu bởi một ánh nhìn không phải chuyện bịa đâu. Gita cũng trầy trật để sống, nếu không có hai cô bạn và cả Lale nữa thì cô đã chết vì bệnh rồi.
Khi cái kho tàng của Lale bị phát hiện ra, đáng lẽ anh bị tra tấn đến chết thì người tra tấn anh lại là người mà anh từng cứu. “Bàn tay vàng” phát huy hết tác dụng khi anh không những thoát khỏi đó – chưa có kẻ nào ra khỏi đó mà còn sống – và còn lấy lại vị trí cũ – thợ xăm.
Đến cuối cùng, may mắn biết mấy, trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, Lale và Gita tìm được nhau, lấy nhau và kiếm tiền cùng nhau. Đây là câu chuyện về một người may mắn, một con mèo “hẳn mày là mèo, vì chắc chắn mày có nhiều mạng sống hơn bất kỳ ai.”