Tôi xếp Tazaki vào bộ ba Rừng Na Uy – Phía Nam Biên Giới – Không Màu là nhóm có thể đọc đi đọc lại trong suốt nhiều năm. Cấu trúc đơn giản, mạch lạc. Nội dung gần gũi. Ai cũng có thể tìm thấy một ít bản thân mình trong đó.
Nếu phải lấy một khung cảnh để làm avatar cho mỗi tác phẩm, giả sử như chúng cần một thứ đại diện, thì Rừng Na Uy là căn nhà gỗ buổi sáng mùa mưa, Phía Nam Biên Giới là quán Bar chuyên nhạc Jazz cũng một tối ngày mưa, còn Không Màu thì, hừm, chắc là trong một căn hộ có cửa sổ lớn nhìn xuống thành phố. Không mưa, chẳng nắng. Chỉ là một khung cảnh tĩnh lặng. Nó thiếu nhiều màu sắc mạnh mẽ. Cũng chẳng có gì để phô diễn.
Có phải khi đã nhiều tuổi hơn, thì người ta càng lúc càng mất đi màu sắc?
Bạn có màu gì, trong thế giới này?
Câu chuyện thiếu sắc, nhạt sắc cứ trở đi trở lại trong suốt quyển sách. Cùng với nó là nỗi hoài nghi sự vô giá trị, không ai cần tới của Tazaki. Tazaki Tsukuru thiếu sắc chỉ quan tâm đến việc xây dựng những ga tàu. Và trong tên của cậu có chữ Tác, nghĩa là làm ra một đồ vật hữu hình.
“Trong đời người, chỉ cần tìm thấy một đối tượng mà mình quan tâm dù rằng hạn hẹp, thì đã là một thành tựu to lớn rồi còn gì”
Tuy 4 người bạn thời thơ ấu được nhắc đến đầu tiên, và câu chuyện của bọn họ tác động lên Tazaki như một ngọn roi quật vào không khí để lại một vết rạch vô hình trong lòng cậu suốt 16 năm, sau đó là Haida, một người bạn kém tuổi thông minh đột ngột rời bỏ cậu một cách gọn gẽ, những kẻ mang trong mình cái tên có màu, tôi lại chú ý đến Sara hơn cả. Đây là một cô gái khiến cho Tazaki từ chỗ đứng yên đã bắt đầu dịch chuyển. Giống như bản nhạc xuyên suốt Le Mal Du Pays của Liszt. Sara bảo Tazaki “Hãy bước đi cùng Thần Lực. Tôi chờ” Có lẽ Sara là một chất xúc tác mạnh mẽ để Tazaki thà đánh mất đi sự phòng vệ mà cậu dựng lên, còn hơn là mất đi “cái cảm giác khổ sở” vì thương yêu.
“Tôi muốn được nghe thấy giọng em, hơn tất thảy mọi thứ khác.”
“Nếu Sara lựa chọn và chấp nhận mình, mình sẽ lập tức ngỏ lời cầu hôn. Và mình sẽ chìa ra mọi thứ mà mình có vào lúc này, bất kể đó là thứ gì.”
Review của độc giả Bùi Hoàng Thanh Hương – Nhã Nam reading club