Review sách: TÀN NGÀY ĐỂ LẠI – Kazuo Ishiguro

Thứ Bảy, 16/09/2023

Đánh giá cá nhân: 5/5 ⭐

Một tác phẩm xuất sắc của nhà văn Anh gốc Nhật từng đoạt giải . Thú thực là sau khi đọc chừng 30 trang sách tôi đã phải đấu tranh là dừng lại hay đọc tiếp vì tiết tấu chuyện chậm, buồn, cho dù lời văn đẹp đến nao lòng, có gì đó rất khiêm cung, khép nép, nhún nhường, một trải nghiệm tương đối lạ với một người mê , đề cao sự giải trí như tôi.

Và, khi tôi đọc hết, tôi thầm cám ơn bản thân mình là có quyết định sáng suốt khi đặt niềm tin vào Kazuo, người từng đoạt 2 giải thưởng văn chương danh giá của  thế giới, giải Nobel cho thành tựu đóng góp của tác giả với nền văn học thế giới (2017) và Man Booker cho tác phẩm Tàn Ngày Để Lại (1989).

Hãy tạm quên đi nội dung câu chuyện, vì kết cấu khá đơn giản, không quá khó để theo dõi, và vì rằng có cả ngàn bài viết đã từng trải lòng và ca tụng về nó, hãy quên đi những mất mát, nuối tiếc về một quá khứ xa xưa vì đó là nơi chẳng bao giờ có thể quay trở lại. Ở bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ 1 đoạn văn mà tôi cực kỳ tâm đắc, mạn đàm về 2 chữ thôi nhưng cần đến vài câu chuyện thực sự tinh tế để dẫn giải, để khi tác giả giãi bày trên nửa trang giấy, thì cho dù bạn là ai, bạn sẽ thấu hiểu từng chân tơ kẽ tóc ý nghĩa của hai từ đó ngay khi ánh mắt bạn chạm tới nó.

PHẨM CÁCH

——————————————

“Phẩm cách”, xét đến tận cùng, liên quan tới khả năng của người quản gia không từ bỏ con người nghề nghiệp mà ông ta sắm vai. Những quản gia hạng dưới sẽ vứt bỏ con người nghề nghiệp, trở về với con người cá nhân ngay khi gặp sự khiêu khích dầu là nhỏ nhất. Với những người ấy, làm quản gia chẳng qua giống như đóng vai kịch trên sân khấu; chỉ cần đẩy nhẹ, chỉ cần vấp khẽ, là mặt nạ sẽ tuột xuống, lộ ra người diễn đằng sau. Những quản gia vĩ đại trở thành vĩ đại nhờ khả năng sắm vai diễn nghề nghiệp của mình và sắm đến tận cùng; không sự việc bên ngoài nào có thể đánh bật họ ra khỏi đó, dù có choáng váng, sợ hãi hay buồn phiền đến mấy. Họ khoác trên người tính chuyên nghiệp như một nhà quý tộc ra quý tộc khoác bộ áo đuôi tôm: ông ta không đời nào để cho bọn lưu manh hay cho hoàn cảnh giật nó khỏi người mình trước mắt thiên hạ, ông ta cởi bỏ nó khi và chỉ khi tự nguyện làm như vậy, và bao giờ cũng là khi ông ta chỉ còn lại duy nhất một mình.

———————————————-

Khi phẩm cách không chỉ giới hạn trên cương vị của người quản gia được đề cập trong tác phẩm này mà nó được hiểu như là một tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp thì khi đọc xong tác phẩm này, có lẽ trong chúng ta sẽ xuất hiện 2 tư tưởng xung khắc. Oh, việc gì phải tận tuỵ, trung thành với công việc để  khi tuổi xế tà, chỉ còn cái nghèo thanh tao và những nuối tiếc về quá khứ, hãy mạnh dạn bày tỏ tình cảm khi con tim thổn thức, hãy  mạo hiểm theo đuổi những hoài bão của tuổi trẻ khi còn tràn trề sinh lực, hãy kiếm tiền một cách thông minh bằng cả lương, lậu, bổng, lộc cho một tương lai tươi sáng hơn. Hay vẫn mãi tôn thờ sự tôn nghiêm của 2 chữ “phẩm cách”, để thấy lòng được thanh thản, để có thể mỉm cười khi nghĩ về quá khứ, nuối tiếc đấy nhưng là những ký ức đẹp và đáng tự hào nhất.

Cám ơn dịch giả An Lý, xin lỗi vì chẳng biết bạn là nam hay nữ, già hay trẻ nhưng thực lòng phải dành 1 lời khen, 1 lời cám ơn chân thành cho tâm huyết, thời gian mà bạn đã dành để hoàn thành một bản dịch rất chỉn chu, trong đó từng ngôn từ  đã được cân nhắc sao cho bám thật sát văn phong của tác giả mà vẫn thể hiện được cái hồn của cả một giai đoạn, một thời kỳ mà tác phẩm phản ánh (có khi còn phiêu hơn, vượt qua cả kỳ vọng của cả bản gốc luôn chứ chẳng chơi), đẹp, buồn, chậm rãi, bình thản, điềm tĩnh, rất gây nghiện và đầy chất chiêm nghiệm.

Một cuốn sách xứng đáng có mặt trên kệ sách của mọi nhà.

Review của độc giả Kevin Pham – Nhã Nam reading club

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024