Ông phải biết cách sống vui. Buổi tối mới là phần hay nhất trong ngày. Ông đã làm xong công việc trong ngày rồi. Giờ ông có thể rửa tay gác kiếm mà tận hưởng đi.
Cuốn tiểu thuyết này quả thật cứ như khoảng thời gian một ngày vậy, “buổi tối mới là phần hay nhất trong ngày”, và “buổi tối” đó giống như phần cuối của cuốn sách, khiến ta day dứt không yên.
“Tàn ngày để lại” là một tác phẩm xuất sắc của tác giả người Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro. Tiểu thuyết từng nhận được giải thưởng danh giá Book Prize vào năm 1989. Thường thì mình khá là e ngại những tác phẩm có giải thưởng cao trong văn học, vì mình sợ nó có nội dung hàn lâm quá mình ngấm không có được. Cho tới khi mình cầm trên tay và đắm chìm trong thế giới của “Life of Pi” (cũng là một cuốn sách có giải thưởng danh giá), mình mới có đủ dũng khí mở ra những trang sách của “Tàn ngày để lại”.
Và tất nhiên, danh sách không-chỉ-đọc-một-lần của mình lại có thêm một tác phẩm quá đỗi tuyệt vời nữa. Mình tự hứa với bản thân sẽ đọc lại sau này, khi mà trải nghiệm sống phong phú hơn, hẳn “Tàn ngày để lại” sẽ cho mình những ảnh hưởng sâu sắc hơn nhiều, chứ không dừng lại ở những cảm giác còn non nớt về đời của bản thân mình hiện tại.
“Tàn ngày để lại” mở đầu với những dòng tự sự bình thản của quản gia Stevens. Bởi cái chất quá đỗi điềm đạm như phẩm chất của ông, mình vừa đọc mắt mình vừa chảy nước mắt vì thật sự rất buồn ngủ ấy. Thoạt đầu dễ gây nhàm chán bởi những dòng tự sự nuối tiếc năm tháng hoàng kim là thế, nhưng dần mình nhận thấy được một không khí đầy mê hoặc và cũng đầy tinh tế của nước Anh. Tiểu thuyết được triển khai theo hai tuyến thời gian song song: một bối cảnh ở hiện tại khi ông quyết định dời dinh Darlington và bắt đầu hành trình chu du miền Tây nước Anh, và bối cảnh còn lại là những mảnh ký ức của ông về khoảng thời gian đã qua. Xuyên suốt những đoạn phim quá khứ ấy, ta dễ dàng cảm nhận rõ hơn về những lầm tưởng về lý tưởng sống của ông…
Thế nào là phẩm cách (dignity)? Thế nào là sự vĩ đại? Đây là những câu hỏi mà quản gia tận tụy Stevens luôn mong muốn tìm câu trả lời. 342 trang sách tường thuật lại hành trình khám phá ra ý nghĩa phẩm giá nghề nghiệp mà ông được truyền từ người cha – cũng từng là một quản gia mà Stevens cho rằng có phẩm cách đáng nể trọng và học hỏi theo. Nhưng rồi cuối cùng, vì cứ mãi ám ảnh với “phẩm cách”, không dám sống cho riêng mình, tình yêu đời mình cứ thế qua những khẽ tay mà trôi tuột mất khỏi cuộc đời ông.
Phục vụ huân tước tại Dinh Darlington trong những năm ấy là được tới gần trục bánh xe thế giới ở mức cao nhất mà một người như tôi có thể mơ tới. Tôi đã dành ba mươi lăm năm phục vụ Huân tước Darlington; người ta hẳn sẽ không lầm nếu nhận ra rằng trong những năm ấy, mình đã được ‘gắn với một gia đình danh giá' theo nghĩa đúng đắn nhất của điều này. Nhìn lại quá trình sự nghiệp của tôi cho đến ngày nay, niềm thỏa mãn chính yếu của tôi là ở những thành tựu đạt được trong những năm tháng ấy…
Với những cống hiến hết mình như vậy, Stevens sẽ chẳng bao giờ có thể chấp nhận hoàn toàn sự thật rằng việc ông cống hiến cả một đời cho Huân tước thực chất lại không phải là một thành tựu đáng được người đời vỗ tay tán dương. Làm sao ông có thể chứ? Ông vốn luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng việc ông tận tụy phục vụ cho giới quý tộc là góp phần vào việc định hình và có thể thay đổi thế giới. Nhưng sẽ thật đau lòng khi kẻ tôi tớ như ông phải chấp nhận việc Huân tước Darlington đã gây nên một lỗi lầm lớn. Vậy thì việc che giấu cảm xúc thật của chính mình, không bao giờ cho phép bản thân sống cho chính mình, từ trước đến giờ, rốt cuộc để lại gì?
Đi đến cuối cuốn sách, mình nhận ra hoàng hôn cuộc đời Stevens trùng hợp thay cũng là hoàng hôn của nước Anh vĩ đại xưa cũ. Trên băng ghế đối diện bến tàu, lời tự thuật của Stevens khiến mình đau lòng hơn cả.
tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất cho Huân tước Darlington. Tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể trao đi, và giờ thì – nói sao nhỉ – tôi thấy mình không còn lại bao nhiêu để mà cho đi nữa.
Có ích gì khi người ta trăn trở quá nhiều rằng mình đã có thể hay chẳng thể làm gì để nắm giữ tiến trình của cuộc đời mình?
Bạn biết cái cảm giác khi mà ánh tà dương phủ đầy đôi mắt đã vốn mệt mỏi sau một ngày dài, cái cảm giác một mình đứng giữa đồng không hiu quạnh, cái cảm giác mà hoàn cảnh mọi thứ dường như lặng lại cho phép mình bật những đoạn phim trong hồi ức để ngẫm nghĩ chứ? “Tàn ngày để lại” nhẹ nhàng, dịu êm, lơ lửng những nỗi buồn man mác như vậy. Những tưởng những cảm xúc đó sẽ đi nhanh thôi, nhưng nó cứ vương mãi trong lòng, nó cứ mãi khiến mình phải thật sâu lắng. Khoảnh khắc ngày tàn cho phép ta được hãnh diện về những thứ ta đã làm được, nuối tiếc về những gì đã bỏ lỡ, và chấp nhận thực tại, hướng tới tương lai nơi mà ta vẫn giữ quyền chủ động với cuộc đời.
Suy cho cùng, chúng ta có bao giờ được gì khi cứ mãi mãi ngoái lại trách móc bản thân nếu đời mình thành ra lại không hẳn như mình mong muốn?
Một cuốn sách tuyệt vời.
5/5