Văn chương chị như một cơn sóng ngầm và chị đã từng phác thảo đời người bằng Giữa Đêm, Rạng Đông, Giữa Trưa và Hoàng Hôn.
Chị đã đi nhưng ánh hoàng hôn của chị để lại sẽ còn mãi. Chào chị.
—
Bốn nhân vật tự họa trên 4 điểm giao thời của ngày: Giữa Đêm, Rạng Đông, Giữa Trưa và Hoàng Hôn, luân phiên kể cùng một câu chuyện mà ở đó tình yêu, nguồn cội, gia đình và cái chết hòa thành dòng chảy đan xen hiện tại và quá khứ.
Văn- kẻ lưu vong sang đất Pháp với bao hoài bão của tuổi trẻ đã gặp Lou- người con gái ngăn nắp hiện đại và tin vào quyết định đời mình. Họ đã có gia đình nhỏ với đứa con gái Laure, thừa hưởng một chút ở cha và một ít ở mẹ. Rồi con Sóng Ngầm mang tên Ulma- người em gái cùng cha khác mẹ của Văn xuất hiện, cá tính mạnh mẽ dữ dội, phá vỡ con chắn đê yên bình để rồi cuốn phăng cả bốn người vào dòng chảy cuồn cuộn về phía tối tâm hồn.
Lần đầu đến với Linda Lê, nhiều ngỡ ngàng và khâm phục bởi thứ ngôn ngữ tưởng chừng khó kết hợp lại được đặt duyên dáng bằng giọng kể vừa mỉm mai lại chua xót.
Ở đó một Việt Nam mất mát đau thương trong chiến tranh, những con người dù đứng bên rìa cuộc chiến thay tham chiến đều mang những vết thương lòng mà mãi khi biệt xứ lưu vong vẫn còn âm ỉ đau và giật lùi về quá khứ.
Với 4 nhân vật Tôi, lịch sử lại là đường dây khéo léo để gắn chặt giữa thủy chung và bội phản, giữa mất mát và thương yêu, giữa đạo lý và loạn luân…
Việc bóc tách từng lớp áo giáp để lộ nửa phần tăm tối nơi số phận trớ trêu ở mỗi con người, ở đó họ tìm thấy phần còn lại của đời mình dưới con vực thẳm. Tôi tin chắc Sóng Ngầm đủ thuyết phục để giữ chân người đọc đến trang cuối cùng, bởi không chỉ tò mò về chủ đề lưu vong mà ở đó gia đình, tình yêu, tuổi trẻ, đam mê…được gắn kết thông minh và mượt mà với lối kể chuyện đầy thu hút của Linda Lê.Nào những cô gái đang hạnh phúc vì được làm con của mẹ, sau khi gấp sách lại hãy chạy đến ôm mẹ và thủ thỉ ” Cảm ơn mẹ đã kiên nhẫn bên con trong suốt những tháng ngày con khờ dại”.