“Không lâu nữa tuyết đầu mùa sẽ đến. Và lúc ấy hắn sẽ lại hiện ra. Người tuyết. Khi tuyết tan là lúc hắn bắt đi một kẻ khác. Hãy tự hỏi bản thân điều này: “Ai đã tạo ra người tuyết? Ai đã đắp nên những người tuyết? Ai đã sinh ra Murri?” Bởi điều ấy người tuyết nào có hay.”
…
“Tuyết đầu mùa.” Anh nói. “Hắn chọn đúng ngày có tuyết đầu mùa để ra tay.”
__
“Năm 1980, một người phụ nữ có gia đình chở theo con trai trên một chiếc Toyota Corolla chạy đến một căn nhà riêng ở miền quê. Cô dặn con mình chờ ở trong xe rồi vào nhà gặp người tình. Khi cô và tình nhân ân ái với nhau, họ cảm giác như ai đó đang nhìn lén từ ngoài cửa sổ. Họ nhìn ra ngoài và chỉ phát hiện một người tuyết to.
Hôm cô đến cũng là ngày tuyết bắt đầu rơi.”
(Trích tóm tắt của Nhã Nam)
***
Điểm chung của các vụ án trong chuỗi án mạng “Người tuyết” như sau: nạn nhân – nạn nhân là phụ nữ đã có gia đình và đều vướng vào những vụ ngoại tình, nhân chứng có mặt ở hiện trường – nhân chứng là một người tuyết do kẻ sát nhân để lại.
Truy tìm chân tướng của “Người tuyết” bí ẩn, thanh tra Harry Hole hiểu rằng mình đang phải đối mặt với một kẻ khó lường. “Người tuyết” rất tự tin, ra tay cực kỳ kín kẽ, đôi khi ngông cuồng thách thức cả cảnh sát; y có vẻ là người tỉnh táo nhất, song lại giống như một tên tâm thần bệnh hoạn. Harry Hole và đồng đội nhanh chóng tìm ra mô thức gây án của kẻ sát nhân và đặc điểm của những nạn nhân xấu số, nhưng mọi chuyện thật không đơn giản khi “Người tuyết” thậm chí còn liên quan đến vụ sát hại một phụ nữ năm 1980 đã xảy ra từ hai mươi tư năm trước.
Nhằm vào những phụ nữ đã có gia đình và ngoại tình, “Người tuyết” tự coi mình là kẻ đang thực thi công lý hay bởi y có một nỗi ám ảnh thầm kín nào đó với những hoàn cảnh của họ? Vì sao y chỉ ra tay khi tuyết rơi? Viên thanh tra mất tích một cách bí ẩn trong vụ điều tra “Người tuyết” trước cả Harry Hole liệu có quan hệ gì với y không?
Vì sao y lại chọn “Người tuyết” làm dấu hiệu cho tội ác của mình?
__
“Người tuyết” được kể một cách chậm rãi và ngắt quãng, vì viết bằng ngôi thứ ba nên tác giả có thể thoải mái chuyển đổi không gian, thời gian và trao cho người đọc quyền quan sát rộng hơn điểm nhìn chỉ của một người. Điều này khiến mình nhớ đến đặc điểm của phim thriller, nhân vật sống trong tác phẩm có tầm nhìn hẹp hơn người xem, và do vậy người xem sẽ dễ bị kích thích và hồi hộp hơn. Tuy nhiên với cách kể như vậy, khi đọc “Người tuyết” cần hết sức tập trung bởi nếu không sẽ rất dễ bị rối về tuyến nhân vật, thời gian và không gian.
Những vụ án trong “Người tuyết” đều liên quan đến những vụ ngoại tình mà người ngoại tình là phái nữ và cách tác giả viết khiến người đọc nghĩ những người phụ nữ ấy đều thật… rất lăng loàn, xấu xa và dối trá. Phải nói rằng mình không thích bất cứ nhân vật nào trong cuốn sách này cả, ngay cả nhân vật chính – Harry Hole cũng không. Các nhân vật trong “Người tuyết”, họ đều bộc lộ những góc tối và ham muốn của mình. Ví dụ, mình không ưa tính nhập nhằng và rắc rối của cô bạn gái Harry, dù đã có bạn trai mới nhưng vẫn qua lại với anh ta, làm tình và này kia. Harry cũng đón nhận những điều đó và do vậy dù tác giả có tả họ đau khổ ra sao thì mình cũng chẳng thấy thông cảm chi hết, vì tính ra đây cũng là một vụ “ngoại tình” khác rồi.
Theo mình diễn biến vụ án cũng không đặc biệt thú vị, chúng cứ rối rắm thế nào ấy dù lúc đọc mình cũng có lờ mờ đoán được hung thủ là ai. Cái bẫy hung thủ mà tác giả đưa ra cho độc giả cũng không thuyết phục, mình đã không tin ngay từ đầu khi “Người tuyết” được quy cho một người khác nên thành ra cú lật ngược cái bẫy hung thủ cũng không gây bất ngờ với mình.
Điểm sáng của cuốn này chính là phần mở đầu và cái kết. Jo Nesbø đã vẽ một vòng tròn đầu cuối trùng nhau và khiến mình ngã ngửa khi đọc xong, thì ra bắt đầu quả chính là khởi đầu thật sự. Đây là cuốn đầu tiên mình đọc của Jo Nesbø, không đặc biệt xuất sắc cũng không quá tệ. Nếu đánh giá trên thang 5 thì mình rate cuốn này 3/5.
Instagram: @_satohsai