Tôi thích quyển sách này bởi nó có rất nhiều điều đặc biệt, nhất là khi đối chiếu cuộc đời của Jean Paul-Sartre với cá nhân mình.
Sartre lớn lên trong một gia đình trí thức và vì vậy trong tự truyện này, ông lột tả cuộc sống trưởng giả đó với rất nhiều châm biếm để phê phán lối sống chuộng hình thức. Và bản thân tác phẩm cũng là sự châm biếm của ông dành cho mình khi nó được viết bằng thứ văn “trưởng giả” sang trọng và đa nghĩa (dĩ nhiên lối văn này không dành cho đại chúng).
Tôi thích nó bởi chăng tôi sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng là người thích “nghi lễ” nên lắm lúc tự xây dựng quanh mình những thứ quy tắc – nghĩa là trái ngược với Sartre. Phải chăng người ta thường mơ tưởng và yêu thích thứ họ chưa có và phải chăng vì không có sẵn cuộc sống trưởng giả nên tôi mới xây dựng nó? Đọc những dòng ông viết, lắm lúc tôi phì cười vì thấy nó đúng, đúng lắm và đọc cứ như được nghe con người đó đang chửi rủa, phê phán mình cách cay nghiệt – đó cũng là một khoái cảm trưởng giả lạ đời chăng?
Chú thích: Ngôn từ là tên quyển tự truyện mà Jean Paul-Sartre viết về thời thơ ấu của mình.
Jean Paul-Sartre là nhà văn, triết gia nổi tiếng với tên tuổi gắn liền với Triết học Hiện sinh Pháp. Ông cũng là người đã từ chối giải Nobel văn chương với lý do nhà văn thì không nên nhận giải vì khi nhận giải sẽ lệ thuộc vào tổ chức đã trao giải.
PS: mình tham gia group này lâu rồi mà thấy dòng non-fic ít ai viết quá nên cũng ngại. Hôm qua mới viết review cho Utopia thấy cũng nhiều bạn thích nên tiếp tục share về quyển Ngôn từ ạ.