Nếu bạn là người thích đọc, hẳn sẽ đều thích những tác phẩm viết về người đọc, như “Người đọc” của Bernhard Schlink – sự lãng mạn nghiệt ngã trong bóng đen lịch sử của Đức; hay như “Kẻ trộm sách” (Markus Zusak) – với cảm xúc nghẹt thở trước sự an ủi kỳ diệu của những cuốn sách; hay là bị theo dõi bởi một kẻ vô diện bước ra từ trang sách trong “Bóng hình của gió” (Carlos Zafon)?!?
Vậy thì, bạn không thể bỏ qua “Nếu một đêm đông có người lữ khách” – một tác phẩm không thể đặc trưng hơn về thế giới của những mọt sách, từ tư thế, ánh sáng khi đọc sách, từ việc tìm kiếm săn lùng những cuốn sách, từ cảm xúc khi bạn gặp một cuốn sách đã tìm kiếm từ lâu…
Hẳn chưa từng bao giờ, hình ảnh một người đọc lại hiện lên kỹ lưỡng hơn, bí ẩn hơn và quyến rũ hơn trong “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino.
Bạn sẽ tìm thấy bạn trong đó, thế giới riêng của những người đọc sách đầy mộng mơ, kỳ bí, tồn tại tách biệt với vẻ hào nhoáng hời hợt của thế giới bên ngoài.
“Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới – Nếu một đêm đông có người lữ khách – của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩ khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhạt nhòa đi”.
Tác phẩm đơn giản chỉ là cuộc phiêu lưu của một người đọc trong suốt hành trình sự đọc của mình, hết cuốn tiểu thuyết này đến cuốn tiểu thuyết khác – không cao trào, không có phản diện, không có những kẻ sát nhân hay ma quỷ.
Tại sao, đơn giản chỉ nói về hành trình của một người đọc mà cần cả 400 trang tiểu thuyết; nhưng ngay từ khi mới ra đời vào năm 1979, “lại được bàn tới bàn lui, được đọc đi đọc lại, được phân tích, được gỡ cấu trúc, được giải mã”.
Bạn hãy đọc, hãy để mình rơi vào từng trang từng trang của tác phẩm, để tìm câu trả lời cho chính mình.
“Một người đọc giống như một kẻ đào vàng bị lời nguyền vậy, vàng tìm được là của riêng anh, muốn hay không, anh cũng không thể trao nó vào tay ai đó khác, còn nếu ai đó khác cũng muốn tìm vàng, người đó sẽ phải khăn gói đi tìm vàng lấy.”