Nếu như Patrick Modiano ghi tên mình với tư cách một nhà văn của Paris, một chứng nhân của Paris đổi thay sau Thế chiến II, một Paris với những lãng quên, hoài niệm và nỗi nhớ vô định thì Orhan Pamuk lại định hình bản thân là một nhà văn của Istanbul, một Istanbul của giao thời giữa hai thế kỷ.
Và ở Nàng tóc đỏ, một lần nữa Istanbul lại xuất hiện trong con mắt của một người từng ước mơ thành nhà văn nhưng đã thành một nhà thầu xây dựng, một con người mà qua cuộc đời ấy, ta thấy Istanbul thay đổi đến như thế nào trong hơn 30 năm ngắn ngủi.
Cuốn sách xoay quanh cuộc đời của Cem từ một cậu thanh niên sớm xa vòng tay của người Cha cách mạng và quyết định tự lập học nghề đào giếng, nuôi mộng văn sĩ, yêu thương mơ mộng với một người đàn bà đẹp. Dấu mốc đánh dấu sự đổi thay ở Cem khi cậu tưởng mình đã vô tình làm chết người thầy trong chiếc giếng. Chính dấu mốc ấy khiến cậu không thể trở thành nhà văn mà tự biến mình theo nghề xây dựng, cũng chính dấu mốc ấy, cùng cuộc tình đêm trước, đã cho câu chuyện tưởng đơn giản thành mê cung những sự kiên bất ngờ và khó đoán.
Ở Nàng tóc đỏ của Orhan Pamuk, hình tượng Oedipus lại xuất hiện, một hình tượng mà không cần phải quá thông thạo Triết học phương tây hay Sigmund Freud cũng có thể thấy quen thuộc vì cũng từng xuất hiện trong Kafka bên bờ biển. Nhưng ở riêng đây, ở đất Istanbul, ở vùng đất giữa hai thế giới Đông – Tây ấy, hình tượng Rostam và Sohrab đã xuất hiện, ám ảnh Cem, thôi thúc Cem tìm kiếm…
Nếu như Cem bỏ mơ ước từ một nhà văn sang làm nghề xây dựng là hình mẫu đối nghịch với chính Orhan Pamuk ngoài đời thật – một nhà văn bỏ truyền thống gia đình là nghề xây dựng sang thành một nhà văn. Thì chính hình tượng đối nghịch giữa Oedipus với Rostam – Sohrab lại là sự xung đột đối chọi giữa Tây và Đông, trong thành phố Istanbul – Thành phố giữa hai châu lục, hai nền văn hoá, hai thế giới.
Cái kết của cuốn sách, cũng là sự lựa chọn của chính Orhan Pamuk về nền văn hoá Istanbul trong cuộc đối đầu giữa Đông và Tây, giống như cách ông viết ở Xa lạ trong tôi khi lựa chọn giữa Thế tục và Bảo thủ,, cách thể hiện ý tưởng rất thú vị.