Rất nhiều người nói “Lolita” của lão Na là hiện tượng dị thường bậc nhất trong làng sách. Well, với mình Lolita là tổ hợp của các thái cực của chữ “thường”, bất thường, phi thường, và không-thể-nào-tầm-thường.
Mình mất gần 6 tháng để đọc xong Lolita, dù mình bị cuốn vào câu chuyện hư cấu sặc mùi biến thái của Nabokov. Vì với Lolita, phải nhấm nhấp chầm chậm, phải để bản thân bị cuốn vào mê cung chữ nghĩa hư ảo mà lão Na đã dày công giăng ra để tóm thóp độc giả.
Người ta chửi Nabokov viết ra một cuốn dâm thư biến thái đến mức bệnh hoạn không chữa được. Chửi vậy đúng lắm, vì Nabokov cổ suý cho một trạng thái dục tính điên loạn không nên xuất hiện trên đời này. Bởi vậy khi tiếp cận “Lolita”, mình tự set bản thân phần nhiều vô tri trước phần nội dung mà lão đề ra. Mà quả thật, kêu tóm tắt cốt truyện Lolita, chắc sẽ ra được một phiên bản tàm tạm là Humbert thuê nhà gặp được bà mẹ Charlotte rồi say đắm đứa nhóc Lolita 12 tuổi, rồi Humbert cưới Charlotte để tiếp cận Lolita và trở thành cha dượng cưu mang Lolita sau khi Charlotte chết tức tưởi rồi cả hai rong ruổi trên chặng đường tình dục trái luân lý.
Vậy “Lolita” hấp dẫn ở chỗ nào?
Dễ thôi, vì cuốn này được thêu hoa dệt gấm đẹp đến nao lòng mà mình tin là chưa có cuốn nào tạo ra mỹ cảm vô song đến mức như nó, chí ít là trong số hàng trăm quyển mình được đọc. Rất khó gói gọn “Lolita” trong một vài câu chữ vì Nabokov xây dựng nó bằng ngòi bút hoa mỹ đến mức cực đoan. Ngôn từ của lão như lớp đường ngọt lịm, được dùng để bọc cho quả táo nội dung trong khi quả táo đó đầy chất dịch thối rữa rỉ ra không ngớt. Nói một cách chuyên ngành hơn, “Lolita” là minh chứng rõ ràng nhất cho trường phái “L'art pour l'art” (“nghệ thuật vị nghệ thuật”) mà Théophile Gautier đề ra từ tận thế kỷ 19.
Mình mê đắm cái cách miêu tả của Nabokov. Con mắt của lão tinh tường đề cập đến những siêu chi tiết ít để ý của nhân vật, rồi gắn kết điều này với những ý niệm lạ lùng của khoa học hay cờ vua, khiến độc giả phải ngỡ ngàng và nhiều lúc vắt cạn óc để liên tưởng được các liên kết như thế. Tâm lý nhân vật được dò xét tinh vi đến mức hiển vi, những phức cảm rắc rối được miêu tả rất chi tiết và cũng không thiếu độ lắt léo, lắm chỗ còn chêm vào những đoạn chơi chữ xa xăm mà nếu không có kiến thức bao quát thì sẽ như gã mù mà lướt qua những chỉ mục trong sự chơi chữ thâm nho đó.
“Một tên sát nhân bao giờ cũng sẵn văn phong cầu kỳ, quý vị có thể tin thế.”
Lời văn say đắm lúc Humbert phát cuồng vì cô tiểu nữ thần của mình, đẹp ngay từ giây phút đầu tiên đã trở thành bất hủ:
“Lolita, ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi. Lầm lỗi của tôi, linh hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt ba bước xuôi vòm miệng để vỗ nhẹ, tại bước ba, lên răng. Lo. Lee. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” (Ở đây, tui trộn bản dịch của Dương Tường và Thiên Lương lại)
Khi sự tuyệt vọng não nề của tình yêu xâm chiếm lấy Humbert, tự dưng thấy nó xúc cảm lạ thường, đọc mà thấy “thương” Humbert bị con đ* tình yêu ngu ngục hành hạ nhói lòng:
“Thế rồi, trên đường lái đi, tôi nghe thấy em cất giọng ngân vang gọi gã Dick của em; và con chó bắt đầu vừa chạy theo xe tôi, vừa nhảy nhổm như một con cá heo béo mập, nhưng nó quá nặng và quá già, nên chẳng mấy chốc đã bỏ cuộc.
Và lát sau, tôi thấy mình lái xe xuyên qua làn mưa bụi của ngày tàn, cái gạt nước quét lia lịa hết công suất vẫn không sao lau nổi dòng nước mắt của tôi.”
Lời kể của Humbert mỹ miều, đọc vừa sợ, vừa dè bỉu mà vừa thích hắn. Cái cách viết kỳ quái của Nabokov, nó khiến mình đi từ ngỡ ngàng, ngưỡng vọng, quạu quọ vì đôi khi chả hiểu lão liên tưởng đến cái gì. Nhưng tựu trung lại thì nó đẹp vô cùng, đọc mà không cần quá hiểu cũng thấy sướng rơn trước nét kiều diễm mà ngôn từ trong “Lolita” mang lại. Muốn tìm chất thơ? Đọc “Lolita”. Muốn tìm thứ văn học khác bọt so với phần còn lại? Đọc “Lolita”. Muốn đạt được khoái cảm từ nghệ thuật của sự tinh tế? Đọc “Lolita”.
“Lolita” của Nabokov không hề là một cuốn sách dễ đọc, nó là cuốn sách “đa điểm”. Câu chuyện được phát triển từ một mạch tư duy đa hướng, các sự kiện chằng chịt nối với nhau mà bạn hầu như chẳng thể nào đoán được và phải chịu để Nabokov dắt đi từ từ. Ngoài ra, vì sự tinh vi của nó, đọc “Lolita” là một trải nghiệm rất khó liên tục từ đầu đến cuối mà phải có những quãng ngắt. Sự bỏ mặc “Lolita” tạm thời là rất cần thiết và cũng phải được đọc trong một trạng thái mà bản thân cần cái gì đó xuất thần để có thể tuần tự hấp thụ được cái vẻ đẹp ngôn từ đầy đê mê của lão Na.
P/S: Xét về bản dịch thì vẫn ưng cách dịch của cụ Dương Tường hơn, giữ được nét thơ của tác phẩm. Đúng là bản đầu tiên dịch sai tơi tả nhưng bản sau này đã được hoàn thiện rất tốt. Bản của Thiên Lương thì nó hơi phè phè, và điểm duy nhất mình thấy Thiên Lương dịch tốt hơn là nằm ở câu đầu tiên.