Umberto Eco là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L'Espresso, giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milano, Firenze, Turino kiêm tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông “là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta. Tôi vốn mê ông từ sau khi đọc Tên của đoá hồng –tác phẩm ẩn dưới câu chuyện trinh thám là một kho tàng về kiến thức: triết học, lý luận, tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ, kiến trúc.
Vậy nên khi Lịch sử cái đẹp được xuất bản, tôi phải rinh ngay về bởi tác giả và nội dung của nó. Cuốn Lịch sử cái đẹp có thể được xem như một cuốn bách khoa toàn thư về cái đẹp của thế giới phương Tây từ thời Hy lạp cổ đại đến thời hiện đại. Từ xưa đến nay, cái đẹp luôn khó định nghĩa. Trong mắt mỗi người đều có vẻ đẹp yêu thích của riêng mình. Mỗi thời đại lại tồn tại một định nghĩa khác nhau. Để viết cuốn sách này, Umberto Eco đã làm một hành trình xuyên thời gian, lướt qua vẻ đẹp từ thời Hy lạp cổ đại, thời Trung cổ rồi đến thời hiện đại , trong đó có cái đẹp của các vị thần, đến cái đẹp trong triết học, cái đẹp siêu phàm, cái đẹp lãng mạn rồi cái đẹp hiện đại: cái đẹp của máy móc, cái đẹp của phương tiện truyền thông …
Lịch sử cái đẹp thực sự là quan niệm mang tính triết học và nhận thức về sự hoàn hảo và cách mà chúng được áp dụng lên hình mẫu. Ví như:
– Cái đẹp trong thời Trung cổ gắn với Thần học, với chủ nghĩa biểu tượng trong ánh sáng và màu sắc.
– Thời Phục Hưng gắn với hình ảnh các quý phu nhân, các phụ nữ- thiên thần, những bài ca mục đồng…
– Thế kỷ XX cái đẹp lại có thể được tìm thấy trong các vật liệu nhân tạo, công trình nhân tạo, máy móc nhân tạo…
Trong cuốn này mình đặc biệt thích các tác phẩm mỹ thuật của các hoạ sỹ vô danh có, thiên tài có, vẽ vẻ đẹp của người phụ nữ suốt mấy ngàn năm và những đoạn trích dẫn văn học – triết học – mỹ học mà Umberto Eco dẫn chứng và minh hoạ một cách tài tình cho những biện luận của ông.
Đây thật sự là một cuốn sách hay và đẹp, có thể thỏa mãn sự yêu cái đẹp của độc giả. Bạn có thể ngắm vẻ đẹp từ ngàn xưa đến nay cũng như có thể đọc những áng văn trác tuyệt của những con người nổi tiếng xưa nay….