Phải rất rất lâu sau khi đọc xong, mình mới đủ dũng khí để review cuốn này. Bởi nỗi ám ánh buồn thương mà nó để lại thực sự khiến mình chao đảo hồn phách không biết bao nhiêu ngày trời.
Hóa Thân hàm chứa vô vàn nghịch lý. Nghịch lý đầu tiên là tại sao một cuốn sách vỏn vẹn hơn 200 trang, với lối hành văn cực kì giản dị lại gieo vào lòng người đọc quá nhiều suy tư trăn trở như thế?
Thử tưởng tượng một chút nhé! Nếu một sáng thức dậy bạn cũng bị biến thành chú bọ khổng lồ hay một con vật gì đó gớm ghiếc tương tự, gia đình bạn sẽ phản ứng thế nào?
Và khi họ đẩy bạn ra càng xa càng tốt, họ không còn để tâm bạn sống chết ra sao, họ không coi bạn là người nhà, họ chỉ muốn tống bạn đi càng sớm càng tốt – chỉ vì BẠN KHÔNG CÒN HÌNH DẠNG CỦA CON NGƯỜI, thì, bạn sẽ cảm thấy ra sao?
Dẫu cho trước đó bạn là lao động chính, bạn kiếm đủ tiền cho cả gia đình một cuộc sống sung túc. Bố mẹ và em gái chỉ việc ở nhà tận hưởng cuộc sống trong khi anh nai lưng làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, để rồi khi rơi vào tình huống trớ trêu, họ bỏ mặc anh không mảy may thương xót.
Và giờ anh không thể kiếm ra tiền được nữa, họ bắt buộc phải đứng lên lao động, nên họ càng căm hờn anh. Có phải khi người ta quen ăn sung mặc sướng rồi, thì khổ một chút cũng khiến người ta bực dọc và vô ơn?
Anh cố vật lộn với cuộc sống, cố bám lấy những thứ tốt đẹp còn sót lại để tồn tại. Chẳng nhiều nhặn gì, chỉ là khung cửa sổ nơi duy nhất anh có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài, là bức tranh mà anh yêu thích (rồi cũng bị vứt đi), là tiếng nhạc du dương của cô em gái (thứ mà sau đó khiến cả nhà náo loạn và gián tiếp dẫn đến cái chết đau đớn cô quạnh của anh).
Chẳng thể nào ngừng suy nghĩ về những điều mà Kafka đã sắp đặt trong Hóa Thân. Bởi ở cuộc đời thực này, còn biết bao nhiêu nỗi đau đến từ chính những người thân yêu nhất trong gia đình, như thế.