Review sách: FRANKENSTEIN Ở BAGHDAD – Ahmed Saadawi

Thứ Sáu, 15/09/2023

Cuốn sách này của Ahmed Saadawi có một tựa đề đầy sức lôi cuốn và khơi dậy sự tò mò. Trong  đại chúng, “Frankenstein” của tác giả Mary Shelley vốn đã là cái tên khá nổi tiếng, mang tính biểu tượng về một con quái vật được tạo thành từ những bộ phận của các xác ch.ết. Ở đó, Mary Shelley cho chúng ta thấy nỗi đau của một con quái vật được đưa đến thế giới loài người, mong cầu tình thương nhưng nhận lại là sự hắt hủi, căm ghét, sợ hãi bởi hình dạng xấu xí và đáng sợ. Nhưng đó lại là câu chuyện riêng của con quái vật được sản sinh ra tại một đất nước thuộc châu Âu. Vậy nên bạn sẽ bất ngờ nếu “chạm trán” một “Frankenstein” trên đường phố Baghdad – thủ đô của Iraq, là một đất nước châu Á với cái tên khiến ta hay liên tưởng đến sự bất ổn về chính trị và quân sự. Sử dụng hình tượng “Frankenstein”, liệu thông qua đó Ahmed Saadawi muốn truyền tải điều gì trong tác phẩm này?

Frankenstein ở Baghdad” lấy bối cảnh tại thủ đô của Iraq vào năm 2003, đó là thời kỳ mà đất nước này diễn ra xung đột chính trị gay gắt giữa nhiều bên như chính phủ Iraq liên minh với quân đội Hoa Kỳ để chống lại dân quân Hồi giáo Shiite và Sunni. Đầu thế kỷ 21, khi mà phần đông các quốc gia trên thế giới đang được sống trong hòa bình, hợp tác cùng phát triển thì tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ (như Iraq) vẫn đang ầm ĩ tiếng b.om đ.ạn. Nếu bạn có một trái tim nhạy cảm, bạn sẽ phải thổn thức rằng vì đâu trong cùng một thời đại, có những người được sống những ngày tháng yên bình, thì lại có những người luôn phải sợ hãi khi tính mạng của họ bị đe dọa mỗi ngày. Và chắc chắn không ai có thể cảm nhận nỗi đau một cách chân thực nhất bằng những người trong cuộc, là người dân, những nạn nhân của những cuộc chiến phi nghĩa. Ahmed Saadawi – vừa là nhà văn vừa là đứa con của mảnh đất Baghdad, đã viết ra cuốn tiểu thuyết mà nó sẽ mang đến cho độc giả trên khắp thế giới cái nhìn rõ nét, đầy đau đớn về số phận con người và vùng đất nơi đây.

Để thực hiện sứ mệnh của mình một cách hiệu quả, rõ ràng Ahmed Saadawi phải viết nên được một câu chuyện thật ấn tượng, với những chi tiết hư cấu hấp dẫn lôi cuốn được người đọc và làm sao để từ đó phản ánh thực tế một cách sinh động, khơi dậy được sự thấu hiểu và đồng cảm. Với mình thì Ahmed Saadawi đã làm được điều đó. Nó xóa tan trong mình nghi ngại rằng đề tài này cùng văn chương của một nhà văn Iraq sẽ khiến mình khó mà nuốt trôi. Như đã nhắc ở phần đầu, việc sử dụng lại một hình tượng khá nổi tiếng trong văn hóa đại chúng như “Frankenstein” không khiến cho cuốn tiểu thuyết trở thành một tác phẩm vay mượn hình tượng một cách nhạt nhòa, mà ngược lại Ahmed Saadawi đã biến nó trở thành thứ giúp ông truyền tải trọn vẹn nhất thông điệp của mình.

Không khó để bắt gặp những hình ảnh, những yếu tố bạo lực trong tác phẩm. Nó xuất hiện nhan nhản từ đầu đến cuối: những vụ đánh b.om t.ự s.át, tr.a t.ấn, gi.ết người, hà.nh qu.yết,… Baghdad hiện lên trong mắt chúng ta như một nơi cực kỳ bạo lực và cực kỳ nguy hiểm. Trong hoàn cảnh đó, biểu tượng của tác phẩm xuất hiện một cách thần kỳ và đầy mong đợi, sự xuất hiện của một vị cứu tinh. “”, “Kẻ Không Tên”, “Vô Danh” hay “Daniel” là những cái tên mà người ta gọi hắn. Hắn là tác phẩm của Hadi – một gã buôn đồ cũ với cái thói ba xạo. Thế nhưng lần này Hadi không nói xạo: quả thực đã có một Frankenstein do hắn tạo nên bằng cách ghép những bộ phận cơ thể còn sót lại của những người ch.ết trong các vụ bạo lực ở Baghdad, và bằng một cách nào đó nó có linh hồn và sống dậy. Nguồn gốc cơ thể của hắn đã đưa hắn đến một sứ mệnh, đó là trả thù cho những nạn nhân đã ch.ết và góp phần tạo nên cơ thể đó. Đến đây, có thể thấy “Frankenstein” này đã không còn giống như phiên bản của Mary Shelley mà chúng ta đã từng biết. Không ai có thể biết rõ ràng về hắn, cũng như không ai có thể khẳng định được rằng hắn có tồn tại hay không? Dẫu sự thật là như thế nào, thì mình tin ít nhất hắn có tồn tại như một biểu tượng. Hắn chính là “Baghdad”!

Vâng, cuốn tiểu thuyết này thành công không phải vì nó chọn một vấn đề gây nhức nhối đó là  ở Iraq, mà với mình đó là bởi tác giả đã quá tài tình khi dùng câu chuyện đầy yếu tố hư cấu để phản ánh góc nhìn của người trong cuộc về cái thực tế đang diễn qua. Ahmed Saadawi đã nhào nặn nên nhân vật “Frankenstein ở Baghdad” bằng tất cả những gì ông thấy, cảm nhận và khao khát ở Baghdad. Như nhân vật “thằng khùng” trong tác phẩm đã nhận định, “Vô Danh” chính là một “công dân Iraq đích thực đầu tiên”. Điều này đã làm cho mình vỡ lẽ ra lý do vì sao tác giả lại mượn hình tượng “Frankenstein” cho nhân vật của mình. Vì được ghép nối từ nhiều bộ phận khác nhau của nhiều nạn nhân, trong đó có nhiều loại người, tầng lớp, tôn giáo, sắc tộc khác nhau nên rõ ràng cơ thể của “Vô Danh” chính là một cơ thể chung mang tính đại diện cho con người Iraq. Do đó có thể nói hành trình đòi lại công lý của “Vô Danh” cũng chính là tiếng lòng đầy phẫn uất của người dân Iraq đang kêu gào vì nỗi đau mà những cuộc chiến tranh giành quyền lực phi nghĩa đã mang lại cho họ. Thế nhưng càng theo dõi hành trình của “Vô Danh”, ta lại càng nhận ra có cái gì đó không đúng. Khi mà hành động trả thù của hắn ngày càng tàn bạo, vượt quá giới hạn, đôi khi lại bất chấp đúng sai để rồi tự bao biện cho bản thân mình. Chi tiết này đã làm nổi bật lên một thông điệp khác mà Ahmed Saadawi muốn truyền tải đến mọi người: bạo lực chỉ nối tiếp và sản sinh ra bạo lực, ta dùng bạo lực để thực thi công lý nhưng hóa ra chỉ đang gây thêm sự chia rẽ và nỗi đau. Đó không phải là thứ Baghdad đang cần và không phải là thứ sẽ cứu rỗi được Baghdad. Nếu đọc xong tác phẩm và chiêm nghiệm lại, ta sẽ thấy Ahmed Saadawi thật tuyệt vời. Rõ ràng câu chuyện về một con quái vật được tạo ra để trả thù lại cái ác bằng những cách tàn bạo nhất (và luôn thành công) nghe thật thõa mãn và hấp dẫn có đúng không? Nhưng rồi Ahmed Saadawi lại dẫn ta về với chân lý, khiến ta nhận ra rằng hóa ra từ đầu chúng ta đang đi sai đường mất rồi.

Nhìn nhận lại toàn tác phẩm, bên cạnh một số điểm mạnh khác như xây dựng nhân vật tốt, cách triển khai và kể chuyện đầy hấp dẫn, gãy gọn… mình vẫn ấn tượng nhất với cách hình tượng hóa thông điệp tác phẩm của Ahmed Saadawi. Đó chính là lý do vì sao mình dành gần như toàn bộ nội dung bài viết này để viết về nó. Không phải là những lời nói tuyên truyền sáo rỗng, càng không phải chỉ là những lập luận tố cáo tội ác đơn thuần, Ahmed Saadawi đã bắt tất cả mọi người phải nhìn nhận lại một cách đúng đắn về thực tế và số phận của Baghdad. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi câu chuyện về con quái vật “Frankenstein” đột nhiên xuất hiện ở Baghdad, nhưng dần bạn sẽ hiểu ra và không còn quá quan tâm đến chuyện liệu con quái vật này có tồn tại thật không. Ahmed Saadawi đã cho mình thấy sức mạnh của văn chương, một phương tiện để con người phản ánh và chống chọi lại thực tế khắc nghiệt. Đây xứng đáng là một tác phẩm cần được đọc nếu bạn muốn tìm hiểu về đất nước Iraq và những bất ổn nơi đây. Với mình, “Frankenstein ở Baghdad” vừa là một tác phẩm hay và đủ hấp dẫn để giải trí, đồng thời cũng tràn đầy những thông điệp nhân văn và ý nghĩa để ta chiêm nghiệm về cuộc sống.

Review của độc giả Phát Nguyễn – Nhã Nam reading club

Điều nhỏ bé phi thường

Điều nhỏ bé phi thường

Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

Thứ Hai, 26/08/2024