Review sách “Cuộc đời của Pi” – Yann Martel
Mình đọc quyển sách này, ban đầu vì tò mò, rằng đây là một cuốn sách có hơi hướng tôn giáo, rằng năm Dần thì đọc một cuốn sách có hổ thì cũng thú vị đấy. Và sau là đọc vì cuốn này được bác Trịnh Lữ dịch, mà mình thì mê cái độ trải đời, điềm đạm của bác trong podcast Have a Sip lắm.
Về nội dung, cuốn sách có thể được tóm gọn trong 2 câu ở bìa trong:
Một mặt là chuyện thám hiểm, một minh chứng về việc hoàn cảnh cùng quẫn làm thay đổi con người thế nào. Mặt khác là sự suy ngẫm sâu xa về vai trò của tôn giáo trong đời sống, về bản chất của động vật, thiên nhiên và con người.
Về hình thức, sách chia làm 3 phần, với chẵn 100 chương:
Phần một – Toronto và Pondicherry: Đây là phần truyện khiến mình cảm thấy hơi “khó nuốt”, vì tác giả viết nhiều về chuyện các tôn giáo – mà mình thì là đứa không có tôn giáo, cũng không hiểu gì mấy về tôn giáo – nên không thực sự “cảm” được. Pi – nhân vật chính của tác phẩm – là tín đồ của 3 tôn giáo khác nhau, và điều này khiến mọi người xung quanh cậu đều không-tưởng, và khuyên ngăn cậu không nên như vậy, giống như việc tay chấp lạy, miệng nói Amen hay tay làm dấu thánh giá, miệng nói Nam mô. Câu lý lẽ của cậu bé: “Bác Gandhi có dạy rằng mọi tín ngưỡng đều là chân lý. Con chỉ mong được yêu thương Thượng đế mà thôi” khiến mình chợt liên tưởng tới câu nói viral dạo gần đây “Yêu 2-3 người cũng được. Miễn mình thật lòng”. Mặt khác, phần này cứu vớt chiếc mood đọc của mình bởi những câu chuyện thú vị về vườn thú, về động vật (hoang dã), khiến mình chỉ muốn book ngay một vé đi Công viên Thủ Lệ hay Thảo cầm viên để quan sát, kiểm chứng mọi điều hay ho đó.
Phần hai – Thái Bình Dương: Đây là phần mình (và có lẽ đa số mọi người) thích nhất. Phần này kể về chuyện Pi đã trải qua vụ đắm tàu và sống lên đênh trên xuồng cứu nạn hơn 7 tháng (227 ngày) cùng con hổ Richard Parker ra sao. Những phân cảnh tả biển cả và những sinh vật sống ở đó (tác giả tả đẹp lắm), kể chuyện lênh đênh, chống trọi trên biển, chuyện đánh bắt những chú cá dorado, đánh bắt rùa… khiến mình nhớ ngay tới truyện “Ông già và biển cả” mà mình mới đọc hôm Tết. Không chỉ vậy, 1/3 cuối của phần hai này, mình cực kỳ thích thú về câu chuyện hòn đảo kỳ lạ đã hồi sinh Pi, tưởng như Thượng đế đã dõi theo và làm “quỹ nhân phù trợ” Pi đúng lúc vậy.
Phần ba – Trạm xá Benito Juarez, Tomatlan, Mexico: Đây là phần ngắn nhất trong 3 phần, cũng là phần rùng rợn và man rợ nhất (phần này mình chấm 5 sao). Phần mà sau khi đọc xong, ta thực sự chả biết phải tin vào câu chuyện nào. Đọc một bài phân tích khác, người viết có chỉ ra chi tiết ẩn dụ cho lời thoại “Cảm ơn ông, thượng đế cũng nghĩ như các ông”, rằng: Con người có thể chọn riêng câu chuyện của mình, và câu chuyện ấy lại có thêm một vị thần thánh đức tin nào đó.
Gấp lại cuốn sách, nhìn một cách tổng quát, kết hợp với hành trình đọc cuốn này, mình xin đánh giá 5⭐. Cũng vì cảm xúc vẫn còn hơi lâng lâng từ buổi đọc tối qua nên mình đã quyết định viết ngay post chia sẻ ngắn này, dù khả năng viết của mình cũng hạn chế. Có thời gian, có dịp, nhất định mình sẽ tìm bản chuyển thể thành phim để xem.
Đọc tác phẩm này, mình chợt nhớ ngay tới câu hỏi kinh điển của chị Thùy Minh trong các số Have a Sip: “Nếu một ngày bạn phải lên hoang đảo không biết ngày trở về, chỉ được đem theo 1 cuốn sách thì bạn sẽ đem theo cuốn sách nào?”. Mình cũng không chắc sẽ mang cuốn nào theo, nhưng mình có thể hình dung hành trình trên hoang đảo đó có thể cũng giống hành trình gian nan nhưng đầy thú vị mà Pi đã trải qua, và đây có thể là 1 trong những đầu sách mình xem xét sẽ mang theo nếu có bị ném lên hoang đảo thật.
P/s: Một trích đoạn mình rất thích:
… Thượng đế phải được bảo vệ bên trong lòng chúng ta, không phải ở bên ngoài. Họ nên hướng cơn giận của họ vào chính bản thân. Bởi lẽ cái ác ở ngoài kia chỉ là cái ác ở bên trong đã được sổng ra ngoài. Bãi chiến trường để giành giật cái thiện không phải quảng trường công cộng kia mà ở khoảng rừng thưa nhỏ bé trong trái tim ta. Trong khi đó, số phận những người quả phụ và lũ trẻ vô gia cư thật đã phũ phàng làm sao, và chính là để bảo vệ họ, chứ không phải Thượng đế, mà những người công chinh phải khẩn trương lên.
(Còn có nhiều đoạn trích, nhiều câu khá hay mình muốn chụp, muốn lưu lại tại post này, nhưng như vậy là spoil, sẽ khiến cảm xúc của các bạn khi đọc tác phẩm không thực sự vẹn nguyên cho lắm)