Chúng ta đang làm gì với giấc mơ của chính mình giữa cuộc sống bộn bề này vậy? Có phải là không cưỡng được cảm giác cứ ngắm nghía rồi mân mê, sờ mó nó; cho đến lúc vô tình bóp chết nó.
Cuốn “Của chuột và người” có cái bìa thu hút mình ngay từ cái nhìn đầu tiên, đơn giản mà đẹp đến nao lòng. Giấy dày dặn, trình bày sáng sủa. Nói chung về hình thức rất ưng ý, ngắm nghĩa mãi không chán.
Một câu chuyện ngắn thôi, đưa ta trở về nước Mỹ thời Đại suy thoái, nơi bên cạnh sự hào nhoáng của những thành phố lớn là những trang trại quy mô lớn cần rất nhiều những nhân công. Những kẻ làm công đó mang trong mình đầy đủ sự phức tạp của xã hội: chủng tộc, hoàn cảnh gia đình, tệ nạn, lộn xộn như một đống bùi nhùi.
Ở đó, một người bạn to lớn ngờ nghệch và một người nhỏ bé khôn lanh lang thang khắp các trang trại để tìm việc. Họ gắn với nhau bởi giấc mơ chung về một trang trại của riêng mình. Mà thật ra, tất cả đám nhân công, từ anh đánh xe, người coi vườn, kẻ già nua đều tự nhồi sọ mình như vậy, “cứ như là trong đầu mỗi cha đều có một mảnh vườn cả”.
Không dài dòng, không kịch tính, quyển sách vừa vặn để một buổi sáng cà phê nhẹ nhàng nhấm nháp và thả trôi dòng suy nghĩ đi lang thang.