Cuốn sách này mình tình cờ biết sau 1 lần đọc review trên mạng. Đang nghèo thì con em mình bảo “Để đấy em tặng anh”. Đúng là có đứa em đáng đồng tiền bát gạo, nghe mà mát lòng rười rượi :))
Truyện bắt đầu bằng vụ tai nạn máy bay khiến cho 1 lũ trẻ bị kẹt lại trên hòn đảo hoang. Nghe như 1 câu chuyện dành cho thiếu nhi, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và không có người lớn. Lũ trẻ, lớn nhất cũng chỉ khoảng 12 tuổi, vô cùng hào hứng với niềm tin rằng “chúng mình sẽ được cứu sớm thôi”. Hòn đảo này là của chúng, với biết bao điều kì thú, những chuyến phiêu lưu, những kho báu và cả những con quái vật đang chờ trước mắt. Lũ trẻ tập hợp dưới nắng gắt, chia sẻ gánh nặng với nhau và đặt niềm tin vào người thủ lĩnh. Quả là 1 cuộc sống đáng mơ ước. Nhưng có phải thế không?
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Không như Robinson Crusoe, sau cuộc phiêu lưu trên hoang đảo với những điều thú vị và mới mẻ, là sự trỗi dậy của một con ‘quái vật', là nước mắt, là máu, là sự xuống cấp của đạo đức, là nỗi sợ hãi chính con người cũng như cái đói và thiên nhiên khắc nghiệt đã từng bước vắt kiệt bọn trẻ. Dù cuối cùng thân xác chúng cũng được đưa về đất liền, tâm hồn chúng đã mục rữa. Sự hồn nhiên vĩnh viễn mất đi chính là cái giá quá đắt mà đám trẻ phải trả trong suốt chuyến hành trình ban đầu ngỡ là kỳ thú này.
Mạch truyện ban đầu khá chậm. Mình đọc nửa đầu buồn ngủ lắm, nhưng nửa sau thì lại khác hẳn. Nửa đầu truyện, khi phần người vẫn còn, bọn trẻ được vẫn sinh hoạt theo nếp sống của xã hội văn minh. Nhưng khi phần “con” đã lấn át, khi chúng cảm thấy săn thú không còn thú vị nữa, khi những bất đồng ý kiến đã leo thang, chúng chuyển sang săn người, săn chính những đứa mà chúng gọi là bạn, là thủ lĩnh, khi nhận thấy rằng ở trên đảo này không ai có thể ngăn cản chúng. Và rồi, khi được người lớn phát hiện và đưa về đất liền, chúng đã khóc, khóc vì những gì mà mình đã trải qua và hơn hết là vì những gì chúng đã mất đi vĩnh viễn.
Thông qua một ‘Chúa Ruồi' đầy những phép ẩn dụ hãi hùng và ám ảnh, Golding đã cho ta thấy tương lai khả dĩ của loài người khi mọi chuẩn mực đạo đức và luật lệ đều biến mất. Liệu rằng khi không còn thứ gọi là luật pháp, văn hóa hay chuẩn mực đạo đức, khi đối diện với bản năng đã được trao trả tự do, con người sẽ ra sao? Liệu loài người có đủ bản lĩnh để tiếp tục sống lương thiện khi không còn ai trừng phạt không? Liệu chúng ta có đủ mạnh mẽ để giữ lại phần ‘người' của mình không ?