Cách đây mấy mươi năm, ở Việt Nam, những nhà văn Việt Nam đã bắt đầu một cuộc tranh luận: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Chân lý thuộc về ai trong cuộc tranh luận ấy, đến giờ vẫn rất khó để phân định, nhưng khi đọc tiểu thuyết “Chân dung của Dorian Gray” – Cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde, những suy nghĩ về cuộc tranh luận trên lại ùa về, với những tranh luận về cái đẹp thiên thần của vẻ bề ngoài với những cái ác quỷ xấu xa ghê tởm bên trong. Hình ảnh của Dorian Gray thoả thuận duy trì nhan sắc bất tử là một âm hưởng của hình ảnh kinh điển trong văn học châu Âu, khi con người thoả thuận với ác quỷ.
Cuốn tiểu thuyết ra đời khi nền tảng văn hoá Victoria đang là biểu tượng của cả một thời đại. Sự lớn mạnh của một nền văn hoá ưa hưởng lạc và cái đẹp đi kèm với quá trình nước Anh thành siêu cường số một thế giới đang bị biến thành một quá trình sa đoạ và độc đoán, khi những giá trị biến thành phù phiếm. Oscar Wilde xây dựng hình ảnh những nhân vật của mình trên chính bối cảnh ấy, không phủ nhận những giá trị tích cực của thời đại, cũng không phủ nhận những mặt trái của nó đang thành hình, ngay ở trong địa vực văn học.
Trong nền tảng cuốn tiểu thuyết duy nhất của mình, tác giả Oscar Wilde đã xây dựng ba phân thân của chính ông: “Basil Hallward là người mà tôi nghĩ là tôi. Ngài Henry là con người mà thế giới nghĩ là tôi. Dorian là người mà tôi muốn trở thành – ở thời đại khác”.
Ảnh và bài cảm nhận của độc giả Thiên Tư