Review sách: CẢNH NGỘ – MINATO KANAE

Thứ Sáu, 15/09/2023

Chúng mình thân nhau là vì có cảnh ngộ giống nhau phải không?”

Cảnh ngộ là cuốn tiểu thuyết  được viết bởi một nữ nhà văn đình đám của xứ hoa anh đào, Minato Kanae, tác giả của cuốn Thú tội đã quá nổi tiếng và gây sốt một thời gian dài. Tuy nhiên đối với cá nhân mình, công tâm mà nói thì Cảnh ngộ thực sự là cuốn gây thất vọng nhất trong tất cả các cuốn sách từ đầu năm đến giờ mà mình đọc được. Phải chăng do đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào Cảnh ngộ trước khi đọc, nên vô hình trung khi tác phẩm này khép lại, nó gây cho mình một cảm giác hụt hẫng không thể nói thành lời. Dưới đây sẽ là bài review chi tiết về Cảnh ngộ, có giải thích và spoil về cốt truyện, đưa ra những nhận định chủ quan của mình, và tại sao mình lại cho rằng đây là một tác phẩm đáng thất vọng.

Trước hết sẽ nói về một chút thủ  kể, Cảnh ngộ là một câu truyện thuân thủ đúng theo phương thức kể chuyện của cấu trúc ba hồi (mình sẽ nói kỹ hơn ở dưới), trật tự trước sau của các biến cố xảy ra theo trục tuyến tính của thời gian, được dẫn dắt dưới hai giọng kể thay phiên nhau của hai nữ nhân vật chính. Mình thực sự đánh giá cao cách kể này, bởi sự đa chiều đến từ hai góc nhìn, người đọc sẽ dể dàng quan sát một cách bao quát hơn toàn cảnh câu truyện, tránh được sự phiến diện, từ đó suy luận ra thủ phạm cuối cùng rất dể dàng. Ấy vậy mà chính cách kể này lại gây nên một đòn phản tác dụng cực lớn, bởi vì  của hai nhân vật chính được xây dựng một cách rất nông, thiếu chiều sâu và hời hợt, thành ra mối quan hệ và tương tác giữa họ với các nhân vật khác trong truyện, và mối quan hệ chỉ giữa hai con người họ không khiến mình cảm thấy thuyết phục chút nào. Thêm vào đó, mâu thuẫn trong truyện cũng không đủ mạnh, dẫn đến động cơ của thủ phạm không rõ ràng, các nút thắc được giăng lên một cách chấp vá, việc tháo gỡ nó vẫn chưa được thoả đáng, và lẽ dĩ nhiên, những điều đó tạo nên một tổng thể vô cùng cứng ngắc.

Cảnh ngộ được chia làm bốn chương và tuân thủ theo cấu trúc ba hồi như đã đề cặp ở trên, mình sẽ giải thích một chút về phương thức kể này. Như một bài tập làm văn mà chúng ta thường hay viết sẽ có ba phần (mở – thân – kết) thì trong văn chương, đặc biệt là tiểu thuyết, nguyên tắc kết cấu đấy rất thường được áp dụng dưới cái tên là “cấu trúc ba hồi” nhằm tạo ra một cốt truyện mang yếu tố hoàn chỉnh và chặt chẽ về mặt nội dung. Mỗi hồi sẽ có những mục đích khác nhau, cụ thể: Hồi một (mở đầu) sẽ là phần giới thiệu nhân vật, bối cảnh hay là đất để tác giả xây dựng một thế giới giả tưởng riêng cho tác phẩm của mình, rồi vẽ nên một (hay nhiều) biến cố khởi đầu để tạo nên mâu thuẫn/bước ngoặc đầu tiên; Hồi hai (phát triển) thường được chia ra hai phần, phần đầu là một  lớn nào đó (có thể làm thay đổi cuộc đời nhân vật chính) để dẫn đến kết quả của mâu thuẫn/bước ngoặc mà hồi một để lại. Từ kết quả đấy, nhân vật chính sẽ quyết định số phận và con đường đi của chính bản thân mình. Tại đây thì tính cách các nhân vật cũng dần được thể hiện rõ (phe chính hay phản diện), để rồi kéo đến nửa phần sau là một sự kiện mới hòng đưa mâu thuẫn lên cao trào, khiến nhân vật chính lâm vào thế bế tắc buộc phải thay đổi hay đưa ra quyết định nào đó mang đính chủ chốt. Hồi ba (kết thúc) là vòng xoắn cốt truyện (plot twist) để đẩy kịch tính lên đến đỉnh điểm, rồi cuối cùng là giải quyết các xung động, gỡ bỏ mọi nút thắt được giăng lên từ trước và tạo thành một kết cục mở hay đóng tuỳ thuộc vào tác giả. Ở Cảnh ngộ, ta thấy rõ ràng cấu trúc này nhất nên mình sẽ tóm tắt cốt truyện dựa theo từng hồi.

Hồi một (Chương 1: Ruy băng xanh là mẹ), mở đầu bằng thông tin tác phẩm Ruy băng trên trời xanh đoạt giải “Gương mặt mới” của Giải thưởng sách tranh toàn quốc, tác giả là Takakura Yoko, phu nhân của một chính trị gia đang trong giai đoạn tranh cử. Sau đó là màn giới thiệu hai nhân vật chính, Yoko và Harumi, đôi bạn thân gắn bó với nhau sâu sắc do có cùng CẢNH NGỘ. Cả hai đều là những đứa trẻ bị đem gửi vào hai trại mồ côi khác nhau trong cùng một năm từ lúc mới chào đời, không hề biết mặt cha mẹ ruột cũng như là ngày sinh tháng đẻ của mình. Nếu Yoko may mắn được một cặp vợ chồng hiến muộn hiền lành nhận nuôi ngay trong năm đó, được trưởng thành trong vòng tay bao bọc của gia đình có cả cha và mẹ, phải đến khi làm hộ chiếu cô mới phát hiện được sự thật mình là đứa con được nhận nuôi. Ngược lại Harumi thì kém may mắn hơn, đã trải qua mười tám năm trong trại trẻ Asashi, cho đến tận lúc tốt nghiệp cấp ba thì cô mới có cơ hội rời khỏi nơi ấy. Nhưng chốn dung thân mới của Harumi không phải ở một gia đình nào cả, mà chỉ là trong một căn phòng trọ nhỏ bé và tối tăm để tiện cho việc đi học đại học. Harumi trở thành một nhà báo với hy vọng sẽ điều tra ra thân thế của chính bản thân mình, còn Yoko cũng không từ bỏ, cô vẫn giữ vững niềm tin rằng một ngày nào đó sẽ tìm thấy được cha mẹ ruột của mình bằng cách tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện ở các trại trẻ mồ côi khác nhau. Tiếp sau đó xuất hiện một biến cố khởi đầu, đứa con trai năm tuổi của Yoko, người duy nhất trên đời chảy chung một dòng máu với mình mà cô biết, bị bắt cóc.

Hồi hai (Chương 2: Nếu muốn con trai trở về bình an vô sự và Chương 3: Vụ án mạng ở Moninoki), sự kiện dẫn đến bước ngoặc đầu tiên là một tờ fax do thủ phạm gửi đến với nội dung yêu cầu Yoko hãy công khai sự thật cho mọi người biết. Sự thật gì thì thủ phạm không đề cặp đến, chỉ là đưa ra gợi ý rằng “hãy nhớ lại vụ án ở thung lũng Shirakawa”. Như vậy, mục đích chính của hung thủ thật ra là muốn nhắm đến bí mật về xuất thân của Yoko hay là về chuyện nghi ngờ nhận tiền quỹ tranh cử bất chính hồi năm ngoái ở văn phòng Masaki (chồng của Yoko). Phải chăng cảnh ngộ đã tôi dũa Yoko trở nên bình tĩnh, cứng rắn và mạnh mẽ hơn những người khác, làm cho cô không thể đặt trọn vẹn niềm tin vào bất kỳ ai, kể cả người chồng bao năm chung sống? Ngoại trừ duy nhất một người mà Yoko tin tưởng, kẻ có cùng cảnh ngộ với mình – Harumi. Vì bảo vệ an nguy của đứa con trai, Yoko quyết định không báo cảnh sát và cùng Harumi dấn thân vào con đường tự điều tra. Biến cố mới dẫn đến một bước ngoặc khác để đẩy cốt truyệt lên cao trào là bức thư thứ hai từ hung thủ, một gợi ý mới về sự thật, đó là “vụ án mạng ở Mominoki”. Sau đó Yoko cùng Harumi tra ra được chuyện ai là người đã tố cáo chồng cô năm xưa cũng như là cả thân thế của mình, rằng Yoko là đứa con của một kẻ giết người.

Hồi ba (Chương 4: Công khai sự thật), cú plot twist được dựng lên nhưng có vẻ chưa đủ thuyết phục mình lắm. Thực chất người đọc hoàn toàn có thể suy luận ngay ra thủ phạm từ các twist mà tác giả đã ngầm cắm cài từ trước. Các xung đột được giải quyết, một cái kết đóng và có hậu cho tất cả mọi người.

Đầu tiên, mình sẽ dành một lời khen cho tác giả Minato Kanae bởi yếu tố mở đầu của câu truyện rất thú vị và gợi sự liên tưởng. Cảnh mở màn cũng chính là biến cố dẫn đến bước ngoặc đầu tiên ở hồi một, cuốn sách tranh của Yoko sáng tác dựa trên một câu chuyện có thật bất ngờ được giải thưởng lớn tầm cỡ và trở thành cuốn sách bán chạy, đưa Yoko từ một kẻ tầm thường không ai biết thành một tác giả nổi tiếng. Chẳng phải đây cũng chính là bối cảnh ngoài đời thực của tác giả Minato Kanae, người đã ngay lập tức thành công và giành được nhiều giải thưởng chỉ bằng một cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Thú tội. Lời khen tiếp theo là dành cho việc lựa chọn đề tài quá thông minh của Minato Kanae, cô đã dũng cảm bốc trần nhiều thực trạng nóng trong xã hội .

Có ba yếu tố phản ánh hiện thực xã hội mà Minato Kanae đã khéo léo lồng ghép vào:

– Thứ nhất là những cái nhìn xấu xí chứa đầy các định kiến đã thâm căn cố đế trong suy nghĩ của rất nhiều người về những đứa trẻ mồ côi. Bởi vì không rõ thân thế của họ nên không thể biết được dòng máu đang chảy trong con người họ được thừa hưởng từ những kẻ như thế nào. Trong Cảnh ngộ, cũng bởi vấn đề này mà dẫn đến cảnh tượng mẹ chồng – nàng dâu. Vì thân thế nên Yoko chưa bao giờ nhận được sự công nhận đến từ mẹ chồng, cô luôn nhẫn nhịn và chịu đựng mọi sự hành hạ về tin thần thông qua những lời nói mang tính ám chỉ cùng cách đối xử đầy tình yêu thương dành cho Aki (cô gái vốn là đứa con dâu theo kế hoạch của bà) thay vì là một cô con dâu chính thống như mình. Chuyện đã chung sống với nhau bốn năm nhưng chưa có con cũng khiến cho sự bất hoà cùng ánh nhìn đầy kinh thường của mọi người đối với Yoko được đẩy lên cao.

“Hay là cô đã từng nạo phá thai? Hay gen di truyền có vấn đề? Tôi nghe nói những người cơ thể không bị sao nhưng dòng giống gia đình lại khó có con, nhưng với trường hợp của cô thậm chí còn không thể tìm hiểu được. Đổi lại, nếu là con bé Aki, nó có những ba người anh trai, không biết chừng có thể sinh cho Masaki một cậu quý tử nối dõi tông đường…”

Một cái xã hội hào nhoáng bên ngoài nhưng lại rỗng ruột ở bên trong, nơi mà khi đi phỏng vấn tìm việc làm, cho dù Harumi có giỏi đến như thế nào thì những câu hỏi về gia đình như “Bố cô làm nghề gì? Mẹ cô làm nghề gì? Cô có anh chị em không? Anh chị của cô đang làm gì?” vẫn luôn là khắc nghiệt và không thể trả lời được. Lúc đó, Harumi đem chuyện của mình lớn lên ở trại trẻ mồ côi nói ra, cô bảo rằng cô đã được rất nhiều người giúp đỡ, cả những người hiện diện trước mắt lẫn những người chưa từng gặp mặt nâng đỡ nên mới có cô của bây giờ, vậy nên cả xã hội này đều là cha mẹ, là gia đình của cô. Khi ấy người phỏng vấn liền bày tỏ thái độ rất thương cảm, nhưng những ngày sau tuyệt nhiên chẳng có kết quả gì…

Chưa dừng lại ở đó, góc nhìn của những bậc phụ huynh mới càng cay đắng làm sao. Theo số liệu mà mình tìm hiểu được trên internet thì “Hiện tại ở Nhật có đến 90% trẻ em sống trong những cơ sở phúc lợi, trong khi chỉ có 10% sống cùng cha mẹ nuôi tạm thời”, chính bởi vì cái lối suy nghĩ cổ hủ rằng bản tính của một đứa trẻ sẽ do dòng máu được truyền từ cha mẹ ruột không rõ lai lịch quyết định, nên họ liền áp đặt ngay sự tiêu cực lên các đứa trẻ tội nghiệp ấy. Đến cả những tầng lớp tri thức, tiến bộ cũng không ngoại lệ, như nhân vật Yoshii trong tác phẩm này, là một Phó giáo sư  – Chính trị nhưng khi hay tin vợ mình có ý muốn nhận con nuôi, anh liền buông lời bình luận cay nghiệt:

“ […] Nếu nhận con cái họ hàng làm con nuôi đã đành một nhẽ, đằng này lại đi nuôi một đứa trẻ không biết từ đâu ra, sao có thể làm một việc phát ớn như thế được nhỉ.”

Nếu xã hội còn tồn tại những ý nghĩ tiêu cực như thế thì liệu có còn con đường nào dành cho những đứa trẻ tội nghiệp đã thua một cách triệt để trên đường đua của số phận ngay từ lúc chào đời như Yoko và Harumi?

– Tiếp theo đó là tư tưởng môn đăng hộ đối, vợ chồng về căn bản phải có cùng hệ quy chiếu thì mới hoà hợp được lâu bền. Aki là người phụ nữ được ấn định sẽ là vợ của Masaki từ trước nên mẹ của Aki luôn ép buộc cô phải học những thứ như nội trợ, quán xuyến gia đình… những chuyện mà Aki rất ghét. Masaki và Aki vốn dĩ chẳng hề có tình cảm với nhau nhưng vì gia đình hai bên mà bắt họ phải trở nên thân cận. Cho đến khi Masaki gặp được Yoko, xuất phát từ tình yêu chân chính mà muốn cưới cô, những tưởng chiến thắng trong cuộc đấu tranh tư tưởng với gia đình hai bên và trở thành vợ chồng rồi thì hạnh phúc sẽ xuất hiện, ngờ đâu lại dẫn đến một nỗi phiền luỵ khác, đó là mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu như mình đã có đề cặp ở trên.

– Cuối cùng là một tư tưởng tiêu cực đã quá quen thuộc trong một số đầu sách trinh thám, tuy cũ nhưng nay được Minato Kanae khéo léo thổi vào một cách mới mẻ hơn: “con cái cũng phải gánh chịu tội lỗi của cha mẹ?” Với mình, tội lỗi mà cha mẹ gây ra chẳng liên quan gì đến con cái, và xét theo một khía cạnh nào đó thì con cái cũng chính là nạn nhân bị thiệt thòi nhất hay sao?

Động cơ cấu thành cốt truyện của Cảnh ngộ rất sâu sắc là thế nhưng với mình thì đây vẫn là cuốn sách gây thất vọng. Tâm lý của tất cả các nhân vật được xây dựng vô cùng hời hợt, thật ra Cảnh ngộ sẽ rất hay nếu tác giả chịu đào sâu hơn vào tuyến nhân vật phụ, để họ có thể phát huy được hết giá trị của mình vào tác phẩm thay vì chỉ xoay quanh hai nhân vật chính. Cụ thể như nhân vật Yoshii được giới thiệu ở hồi một, mình thực sự nghĩ nhân vật này chắc chắn sẽ làm nên chuyện nhưng càng về sau thì càng bay màu, hầu như chẳng được xuất hiện ở hai hồi sau, ngoại trừ có mặt trong một câu nhắc chừng đến Yoko “gần đây hình như có một Phó giáo sư kinh tế nào đó đang đứng ra tranh cử”, thế là hết. Bên cạnh đó, tình bạn giữa Masaki và Iwasaki dù được đề cặp là rất sâu sắc, tựa như một phiên bản ngược giới với tình bạn của Yoko và Harumi nhưng lại không miêu tả rõ động cơ hình thành, khiến cho nguồn gốc của tình bạn ấy trở nên mơ mồ và kém thuyết phục. Tóm lại, Cảnh ngộ đối với cá nhân mình là một cuốn sách với điểm xuất phát ý tưởng tuyệt vời nhưng lại làm không tới, càng về sau càng đuối, khép lại bằng một cái kết đóng vô cùng nhạt nhoà, không bật lên giá trị nhân văn, vì vậy nó khiến mình cực kỳ hụt hẫng và thất vọng.

Review của độc giả Kim Hân – Nhã Nam reading club

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024