Mình mua quyển này rồi mới biết hóa ra nó là A pale view of hills, mình có sẵn bản tiếng Anh trên Kindle nên đọc tiếng Anh trước. Dù đây là tác phẩm đầu tay của Kazuo Ishiguro (Nobel văn chương 2017), nhưng cũng giống như Mãi đừng xa tôi, tác giả có lối viết tạo cảm giác bồi hồi, hoài niệm ngay từ những dòng đầu tiên, khiến mình rất thích.
Cảnh đồi mờ xám là câu chuyện về hồi ức của Etsuko, một phụ nữ Nhật sống ở Anh, đã qua hai đời chồng và cả hai đều đã qua đời, đón nhận một tin dữ khác: con gái lớn Keiko treo cổ tự sát. Sau đám tang, Etsuko một mình trong ngôi nhà rộng nhưng vắng, và con gái út Niki đến ở với mẹ vài ngày để nguôi ngoai. Toàn bộ tác phẩm mỏng này là hồi tưởng của Etsuko về những ngày còn ở Nhật sau khi thế chiến thứ 2 vừa kết thúc, khi cô làm quen với mẹ con Sachiko và Mariko, và xen kẽ đó là những hội thoại giữa cô và cha của người chồng cũ, cũng như những lần ít ỏi mà cô-của-hiện-tại nói chuyện cùng Niki.
Lẫn trong dòng hồi ức của Etsuko là rất nhiều đoạn hội thoại về quan điểm, giữa truyền thống Nhật Bản và một luồng tư tưởng, lối sống mới, “tây hóa” do sự xuất hiện của người Mỹ ở Nhật sau chiến tranh. Sachiko yêu một người đàn ông Mỹ, người hứa hẹn sẽ đưa mẹ con cô sang Hoa Kỳ để bắt đầu một cuộc sống mới. Sachiko muốn làm tất cả vì con gái, nên mong chờ đến ngày rời Nhật. Etsuko-khi-còn-ở-Nhật cho rằng đó là một ý tưởng tồi, vì sao phải bỏ quê hương bản quán, liệu rồi đứa trẻ sẽ ra sao? Nhưng Etsuko đâu có ngờ rằng sau này chính cô cũng sẽ bỏ tất cả để sang Anh theo người chồng mới.
Cũng vậy, có rất nhiều câu về tư tưởng về vai trò của người vợ với gia đình, của người Nhật với quê hương đất nước trong cuộc chuyện trò giữa Etsuko và Sachiko, và giữa Etsuko và cha chồng – người đã dành cả đời giáo dục thế hệ trẻ theo truyền thống Nhật Bản nhưng nét văn hóa đang bị người Mỹ trên đất Nhật đe dọa. Quyển này không kịch tính, không cao trào, chỉ là miêng mang hồi tưởng, sách hết lúc nào không hay. Nếu không thích cái kiểu hoài niệm, không đầu đuôi rõ ràng này có thể sẽ thấy chán.