Higashino Keigo chưa bao giờ xây dựng một câu chuyện trinh thám thông thường, ông luôn đi sâu để miêu tả tâm lý và khắc họa chân thật xúc cảm của các nhân vật. Bằng ngôi kể gián tiếp, ông giúp các nhân vật giấu lại những bí mật kinh hoàng và mặc người đọc vẫy vùng trong trí tưởng tượng của bản thân. Với Bạch Dạ Hành cũng vậy, câu chuyện không đơn thuần là một vụ án và phương thức để đưa sự thật ra ánh sáng. Nó là cả một hành trình dài gần 30 năm, che đậy hàng loạt những âm mưu bẩn thỉu, sự lừa lọc đáng ghê sợ và hơn cả chính là nỗi cô đơn vây bủa cuộc sống não nề của kiếp người.
Tiểu thuyết tưởng như không hề tập trung vào một vụ án cụ thể nào, mà chủ yếu là kể về hai cuộc đời tưởng chừng chẳng giao nhau bao giờ của Yukiho và Ryoji. Keigo dựng nên một cuốn hồi ký mà chỉ cần nối những sợi dây liên kết mỏng tanh giữa họ lại với nhau thì cuộc sống của cả hai ngay lập tức trở thành vòng tròn khắng khít không thể tách rời. Một thứ quan hệ cộng sinh để tồn tại, cùng sự gắn kết vô cùng mạnh mẽ. Bạn sẽ phải tự xâu chuỗi, phỏng đoán và phán xét đến giây phút cuối cùng, bởi Keigo chỉ là người gợi mở chứ không hề vạch trần mọi thứ. Liệu các nhân vật làm vậy có đáng không? Và cớ gì họ phải đẩy mình vào vùng tối tăm mịt mù của đêm trắng? Sự thật không phải lúc nào cũng đẹp và đủ sức xoa dịu đau đớn của con người, bởi có những điều còn đáng sợ hơn cả cái chết.
Bạch Dạ Hành mở đầu bằng vụ án mạng của ông chủ tiệm cầm đồ, khi xác ông được phát hiện trong ngôi nhà bỏ hoang – nơi từ lâu được xem như thiên đường vui chơi, khám phá của đám trẻ sống gần đó. Một hiện trường gây án quá sạch sẽ, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đã từng xô xát, vật lộn và tất nhiên điều đó đồng nghĩa với việc manh mối về kẻ sát nhân chỉ là con số không tròn trĩnh. Mọi thứ đi vào ngõ cụt, các nghi can hiển nhiên ngẩng cao đầu trước sự vô tội của mình và vụ án dần xếp lại mà không có tên hung thủ nào bị kết án. Chúng ta cũng không thể ngờ rằng hai đứa trẻ ấy – một là con trai nạn nhân và một là con gái nghi phạm, sẽ mãi mãi chẳng thể xóa nhòa vụ án khỏi tâm trí. Chúng đã mang theo niềm đau và sự uẩn khúc ấy mà trưởng thành, để rồi cuối cùng khiến cả hai chìm vào tận cùng của đêm trắng. Ryoji và Yukiho đáng lẽ phải được sống một cuộc đời bình thường, nhưng đến cuối cùng lại chôn mình trong vỏ bọc của sự dối trá, họ đối mặt với thế giới rộng lớn bằng ánh mắt u tối, trống rỗng và từng nhịp tim trên lồng ngực ấy đã không còn biết đến niềm tin từ rất lâu. Vậy rốt cuộc là do ai mà ra nông nỗi?
“Có người cả cuộc đời chỉ mong được bước dưới ánh mặt trời. Có người lại cứ hoài vẫy vùng trong đêm trắng”.
Ryoji đã từng nói rằng cuộc đời anh “cứ như là đi trong đêm trắng vậy”. Chẳng hiểu sao khi đọc đến câu này tôi lại có cảm giác thật bất lực, rõ ràng anh dư sức để thoát khỏi nó, vậy mà hà cớ gì cứ phải chấp nhận số phận đấy dù cho ước mơ lớn nhất cuộc đời là được đi dưới ánh mặt trời? Một kẻ ngốc như Ryoji rơi tõm vào tình yêu, vầng dương ấy anh đã mất cả đời người để tìm kiếm cuối cùng lại dành hết cho Yukiho. Mối quan hệ này từ đầu đã xác định là cộng sinh cùng có lợi, nhưng sau cùng Ryoji lại ôm hết vào mình sự thiệt thòi để Yukiho được hưởng vẹn tròn phần tươi sáng. Đúng như thanh tra Sasagaki đã ví von, Ryoji chỉ là một con cá bống trắng, ngày ngày luẩn quẩn quanh con tôm pháo, hễ thấy kẻ địch lại gần liền quẫy đuôi báo cho tôm pháo trong hang.
Cái kiếp sống cộng sinh được người ta gán ghép đó mới lạnh lẽo và đơn độc làm sao, Ryoji có từng sống cho mình một khắc nào không? Từ đầu chí cuối chỉ tâm niệm sống hết lòng vì Yukiho, do đâu? Bởi ông bố lang sói đã cướp mất ngay trước mắt người bạn mà anh trân quý, đổ một vết mực đen ngòm vào ký ức tuổi thơ hay bởi nụ cười của Yukiho đã làm anh xao xuyến? Mà dù cho đó là lý do đi chăng nữa, cái cách anh bảo vệ người con gái ấy vẫn đầy ắp tình cảm, nó từ lâu đã lớn lao hơn mối quan hệ cộng sinh thông thường, có khi còn vượt xa lằn ranh giới của tình yêu đôi lứa. Đó là thứ tình cảm mà ngần ấy năm trời anh chẳng bật thành lời một lần, kín kẽ đến tuyệt mật, im lặng như vô hình chỉ để lại vài khoảnh khắc, ít ỏi đến khó tin. Có lẽ nếu không nhờ Ryoji dẫn đường, Yukiho sẽ mãi mò mẫm trong bóng tối, chẳng thể tiến lên phía trước. Yukiho đã có mọi thứ rồi vậy tại sao họ lại phải diễn vở kịch ấy lâu đến thế? Lòng tham ư, mình thật tình không nghĩ vậy. Có chăng là cảm giác thiếu an toàn khi bước ra ánh sáng và đối diện với người khác bằng gương mặt và cuộc đời thật của mình. Bóng tối có thể che giấu rất nhiều thứ và làm người ta quen dần với nó khi đã bị chìm vào đó quá lâu.
Đến bước đường cùng, lần cuối Ryoji dùng cách tàn nhẫn nhất – ngay cả khi đó là tàn nhẫn với chính mình để giữ lại vầng dương cho Yukiho. Mình chính vì điều này mà không còn nhớ đến lỗi lầm của kẻ sát nhân này nữa, biết làm sao đây khi lòng mãi dấy lên nỗi thương cảm. Tại sao, rốt cuộc tại sao lại độc ác với chính bản thân mình chỉ vì một người con gái như vậy? Mình chẳng có ấn tượng nào tốt đẹp về Yukiho cả, dẫu quá khứ đau buồn là con quỷ dữ đẩy cô vào tròng của tội ác thì sao? Chẳng ai cho cô cái quyền đối xử với Ryoji như vậy, thứ tình cảm đang hiện hữu trong trí cô có phải là tình yêu không khi nhẫn tâm nhìn thấy anh giẫy chết trong tuyệt vọng mà chưa một lần chìa tay vực dậy? Mãi đến khi mình mường tượng ra bóng lưng của Yukiho chầm chậm rời khỏi cái xác của Ryoji. Giây phút đó, mình có cảm giác chính cô cũng chết. Mặt trời của cô cuối cùng cũng tắt lịm rồi, thế giới mà cô phải sống tiếp không còn là đêm trắng của sự dựa dẫm và tin yêu bình yên nữa. Mình đã thôi trách cứ, không cảm thông, chỉ là ngừng oán giận. Thân hình còm cõi độc bước ấy cũng đã nhận cho mình bản án tử hình kinh khủng và đơn độc nhất, tất cả quá đủ cho một hành trình lạnh lẽo rồi.
Ở Bạch Dạ Hành ai cũng có câu chuyện của riêng mình, người thì sắc nét – kẻ chỉ phớt qua, vừa vặn để móc nối các mối quan hệ thành chuỗi không thể tách rời. Hàng ngàn dấu chấm hỏi cũng nhờ được từng ấy người quy kết đan cài mà được làm sáng rõ. Hai nhân vật chính dù có thời lượng xuất hiện rất ít, nhưng bất kì đầu dây mối nhợ nào quăng ra đều có bóng dáng hai người mắc trên đó, làm người đọc vừa băn khoăn vừa tò mò đến trang cuối. Nhất là một Yukiho luôn thường trực chiếc mặt nạ trên mặt, khiến cho hết thảy sự thật đều chỉ dừng lại ở vạch giả thiết. Muốn chứng minh cô thật sự có tội, trừ phi chính cô thừa nhận. Và có lẽ tâm lý của Yukiho là thứ mọi người muốn thấu suốt nhất. Keigo thực sự đã quá xuất sắc rồi.
Yukiho từng nói rằng: “Bầu trời của tôi không có mặt trời, chỉ toàn là bóng đêm, nhưng không hề tối tăm, vì có thứ khác thay thế cho mặt trời. Tuy rằng không được sáng như mặt trời, nhưng đối với tôi thì thế là đủ rồi. Nhờ chút ánh sáng này, tôi có thể biến đêm đen thành ngày rạng…”. Vậy mà đến cuối cùng cô cùng cô lại không thể giữa được vầng dương ấy, bạch dạ hành cô phải bước thế nào đây?
Review của độc giả Lê Phạm Thuý Huyền Châu – Nhã Nam reading club