Đây hẳn là cái tên rất quen thuộc với rất nhiều người phải không? Ba chàng ngốc là một cuốn sách nổi tiếng của tác giả người Ấn Độ Chetan Bhagat viết về cuộc sống sinh viên của ba chàng trai. Tác phẩm này nổi tiếng đến nỗi nó đã được dựng thành phim, tạo nên 1 cơn lốc lịch sử với doanh thu cao kỷ lục trong ngành điện ảnh Bolywood. Và nếu đã xem phim rồi thì chắc chắn không thể bỏ qua phiên bản truyện bởi thật sự các chi tiết trong phim và truyện khác nhau khá nhiều, độ hài hước trong đó cũng cao hơn nữa, các bạn sẽ không thể ngừng cười sau từng trang sách bởi những câu thoại tưởng chừng vô thưởng vô phạt lại mang hàm ý thâm sâu. Hãy thử đọc tác phẩm này để cảm nhận được hết nội dung đi nhé!
Ok giờ vào chủ đề chính nào!!!
Có một sự thật là tôi chưa bao giờ có ý định đọc tác phẩm Ấn Độ, lại càng không bao giờ nghĩ trong các câu truyện ấy có sự hài hước. Nhưng khi đọc xong Ba chàng ngốc, tôi phải thay đổi nhận thức của mình, về mọi mặt.
Ba chàng ngốc sở hữu một cốt truyện bình thường, một nội dung không đặc sắc. Vậy thì điều gì làm nên sức hút và giá trị nhân văn của nó!? Đó chính là ở tình tiết truyện và lối kể đầy phóng túng và châm biếm của tác giả.
Đây là một tác phẩm đá xoáy vào nền giáo dục của Ấn Độ nói riêng và các nước châu Á nói chung. Học sinh bị chôn vùi trong học tập và áp lực thi cử, điểm số đã biến họ thành những cỗ máy di động. Tất cả những hoạt động ngoại khóa bị coi là một món hàng xa xỉ. Cả một ngày họ chỉ biết cắm mặt vào làm bài tập và lên lớp để mong có được GPA cao để khỏi xấu mặt với bạn bè, để làm thỏa mãn thầy cô, để làm đầy cái bảng thành tích của lớp và nhà trường.
Câu truyện xoay quanh ba cậu bạn thân là Alok, Ryan, Hari. Họ tình cờ quen nhau trong một vụ đụng độ và từ đó trở thành người một nhà của nhau. Những vấn đề dở khóc dở cười liên tục ập đến khiến cho cuộc sống của các cậu bị đảo lộn đến chóng mặt. Những mẩu truyện ở đây cũng chính là những câu truyện mà bất cứ sinh viên nào cũng đã từng trải qua.
Về nhân vật:
Tác phẩm xây dựng nhân vật với ba tính cách đặc trưng: Một thằng thì học hành siêu giỏi (con nhà nghèo) bị lôi kéo theo đám bạn để rồi tụt dốc không phanh. Một tên thì nhà có điều kiện, sống theo sở thích và đam mê, loại này thực chất rất giỏi nhưng lại bất cần và ngông cuồng nên thành tích học tập thường không cao. Còn người cuối cùng thì ba phải, không có chính kiến, trung lập, tóm lại là nhạt toẹt không có gì nổi bật (lại là nhân vật chính nữa mới đau). Chetan Bhagat đã xây dựng chuẩn hình ảnh từng cá nhân trong một nhóm bạn thân. Đây là một điểm cộng!
Về lối kể và tình tiết:
Như đã nói thì đây là điểm sáng nhất truyện. Lối kể hài hước theo kiểu châm biếm, đả kích khiến cho người đọc có cảm giác như đang xem một vụ cãi tay đôi mà một người thì dùng lời lẽ với lý lẽ, luận điểm rất sắc còn người kia chỉ biết im lặng hoặc cãi cùn. Các tình tiết truyện nhìn tưởng đơn giản nhưng cách viết của Chetan đã biến chúng thành sâu sắc và hài hước một cách chua cay. Và cái kết mở khiến người đọc khó tính như tôi cũng thấy thỏa mãn.
Về tổng thể tôi đáng giá đây là một cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Đối với sinh viên họ đọc để biết thêm những trải nghiệm, lấy đó làm chất xúc tác cho hành trang tuổi trẻ. Với những ai đã qua thời thanh xuân, họ đọc để hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ của mình. Tất cả có một điểm chung đó là sự hòa quyện trong một cảm xúc không tên.