Càng mong muốn tìm hiểu tường tận về những gì ẩn đằng sau các tác phẩm của Haruki Murakami một cách mãnh liệt, càng ngày tôi càng chấp nhận một sự thật là những tác phẩm của ông vốn dĩ nó đã bí ẩn như thế. Tôi gọi đó là quá trình bị đồng hóa bởi văn chương Haruki Murakami. Với những tác phẩm đầu tiên mà tôi đọc, bản thân tôi luôn có một sự thôi thúc mạnh mẽ phải đi tìm câu trả lời rõ ràng cho tất cả những ám chỉ, những bí ẩn hiện hữu trong nó – dù có phải lục tung cả internet lên. Nhưng tất nhiên tôi chẳng nhận được đáp án nào cả (hoặc đáp án đó không làm vừa lòng tôi). Sự ức chế đó kết thúc trong vô vọng sau một thời gian, cho đến khi tôi lại bị ức chế bởi một cuốn sách khác!
Cho đến khi đọc “1Q84”, tôi nhận ra đã có một sự biến chuyển nhỏ bên trong bản thân mình. Sự tò mò vẫn luôn ở đó (well), nhưng nó không còn thôi thúc tôi một cách mãnh liệt rằng “lần này mình nhất định phải giải mã được tất cả mọi thứ!”. Tôi thả trôi bản thân mình, như đang nằm trên một con thuyền nhỏ chảy theo một dòng sông, quan sát mọi thứ xung quanh trên đường đi của nó. Lần này, tôi chấp nhận cái thế giới mà Haruki Murakami đã gây dựng nên, không đòi hỏi đó phải là cái thế giới bình thường mà tôi đã biết. Tôi nhận ra rằng trước đây mình đã quá cố chấp khi luôn nghi hoặc rằng hình ảnh này có ý nghĩa gì, câu văn này là ẩn dụ cho cái gì và bắt bản thân mình phải bóc trần nó ra. Nhưng tỉnh lại đi vì tôi (hoặc cả bạn nữa), chúng ta đâu có phải là Haruki Murakami! Tại sao chúng ta phải hành hạ bản thân mình, vò đầu bức tóc chỉ vì không hiểu được thứ mà ông viết, thay vì tận hưởng nó?
Tôi đã thấy rất nhiều câu hỏi, hỏi người khác và có câu hỏi thì là hỏi chính tôi, rằng cuốn abc xyz đó của Haruki Murakami có hay không? Kỳ thực câu hỏi này rất khó, vì theo tôi văn chương của ông không thể chỉ đúc kết trong một câu trả lời “hay” hoặc “không hay”. Không muốn đọc sách của Haruki Murakami, bạn chỉ cần lờ đi là xong. Nhưng nếu muốn đọc, bạn buộc phải có cách tiếp cận – đó chính là suy nghĩ mà tôi đã trình bày ở trên. Haruki Murakami chưa bao giờ (và có lẽ là sẽ không bao giờ) chịu thỏa hiệp với người đọc. Mỗi cuốn sách của ông là vô vàn những ẩn số, những ám chỉ được đưa ra nhưng chưa bao giờ cho thấy động thái là sẽ giải thích, dù bạn có cố đọc đến cuối cùng. “1Q84” cũng không phải là ngoại lệ. Ở đó ta thấy rất nhiều dấu vết quen thuộc của Haruki Murakami: một nhân vật nam chính với lối sống khép kín nội tâm, vài sự vụng trộm, tì.nh d.ục, âm nhạc cổ điển, người phụ nữ lớn tuổi,… Trong “1Q84”, Haruki đã tạo nên một thế giới cực kỳ điên rồ với những điều quái lạ kích thích trí tưởng tượng của chúng ta, cùng một cốt truyện cuốn hút và độc đáo. Tôi nghĩ chỉ cần bao nhiêu đó đã đủ lý do để ta phải đọc “1Q84” rồi. Và như đã nói, để có trải nghiệm tốt thì ta phải tận hưởng, đừng ép mình trong cái nghĩa vụ rằng phải hiểu. Không có cách nào khác ngoài việc ta phải tin rằng cái thế giới trong “1Q84” – cái thế giới có hai mặt trăng, có Người Tí Hon, có Mẫu thể, Tử thể, có cái gọi là “Nhộng không khí” ấy là có tồn tại. Chắc chắn rằng những hình ảnh đó là sự ám chỉ của Haruki Murakami về một điều gì đó, nhưng nếu bạn hiểu được thì điều đó là dành cho bạn, còn nếu bạn không hiểu thì cũng chẳng sao. Giống như trong chính tác phẩm này, nhân vật cha của Tengo (nam chính) cũng đã từng nói một câu đại loại rằng cái gì mà đã không hiểu thì có giải thích như thế nào cũng sẽ không hiểu.
Sẵn đây, từ câu nói trên của nhân vật, cùng nhiều chi tiết khác trong “1Q84”, tôi cảm nhận rằng Haruki Murakami cũng biết về nỗi lòng của chúng ta – những độc giả của ông – nên tác phẩm này cũng giống như sự ám chỉ về văn chương của ông và cách đọc của chúng ta. Nhân vật nam chính, Tengo, với mong muốn trở thành nhà văn cũng đã chấp bút viết lại cuốn sách “Nhộng không khí” của Fukaeri (vì sao là “viết lại” thì cứ đọc sẽ hiểu nhé) trong tình trạng không hiểu gì cả. Các nhân vật trong truyện đôi khi cũng vô cùng mù mờ về thế giới xung quanh mình, không thể lý giải về những điều kỳ lạ đang diễn ra. “1Q84” cũng hàm chứa rất nhiều những chiêm nghiệm của Haruki Murakami về nghiệp viết, về văn chương và các nhà văn, và về chính lối viết của ông. Do đó, đây là một cuốn sách thích hợp để vừa đọc, vừa hiểu thêm về tác giả.
Bỏ qua khía cạnh cảm xúc hay nội dung, nếu xét về hình thức hay cấu trúc của tác phẩm có thể thấy nó vẫn còn những điểm yếu hay chưa tốt. Đơn cử như chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy với độ dày đồ sộ, 3 tập với tổng hơn 1000 trang, đó là sự thừa thãi và trùng lặp trong cách viết của Haruki Murakami. Bạn hoàn toàn có thể đọc lướt một số đoạn, hoặc bỏ hẳn không đọc một số đoạn vẫn không ảnh hưởng đến cốt truyện chung. Với cá tính thích tung hỏa mù, đưa ra ẩn số nhưng không thích giải đáp thì có thể thấy việc có những chi tiết, những đoạn thừa thãi trong tác phẩm là hoàn toàn có thể. Thế nhưng biết sao được khi cách viết của Haruki Murakami vốn đã như thế. Tôi vẫn cho rằng đó là điểm yếu, là một trong những cái không hay, không tốt của tác phẩm. Nhưng có lẽ nó sẽ không quá trầm trọng để chúng ta bỏ qua một tác phẩm đặc sắc như thế nhỉ? Suy cho cùng, dù ta cho rằng đó là thừa thãi, không cần thiết nhưng có thể nói rằng Haruki Murakami không hề hời hợt khi viết ra những dòng đó, nó đều là những suy nghĩ và góc nhìn mang đậm dấu ấn của ông.
“1Q84” không phải là tác phẩm đầu tiên, cũng sẽ không phải là tác phẩm cuối cùng mà tôi đọc của Haruki Murakami. Nó không phải là tác phẩm hay nhất nhì trong sự nghiệp của ông, dĩ nhiên cũng không phải là tác phẩm hay nhất nhì của ông đối với tôi. Thế nhưng, trải nghiệm lần này thật khác, một bước mở ra cánh cửa để tôi tìm cách thẩm thấu văn chương của ông một cách tốt hơn. Dù Aomame và Tengo luôn muốn thoát ra, nhưng tôi vẫn thấy cái thế giới [1”Question”84] – thế giới nơi hai mặt trăng ngự trị, nơi mà khi sấm chớp đùng đoàn thì một cô gái lại đột nhiên có thai là một thế giới thật thú vị. Không cần phải hiểu mọi thứ thật logic, vì một khi đã không hiểu, thì có giải thích thế nào cũng sẽ không hiểu.