Những ô cửa sổ nhìn vào Hà Nội

Thứ Năm, 10/10/2024

Kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024), mới đây, nhiều đầu sách về thủ đô đã được ra mắt. Đó là các tác phẩm từ quen thuộc như Lũy hoa của Nguyễn Huy Tưởng cho đến sách của gương mặt trẻ như tập thơ Bay qua Hồ Gươm của Huỳnh Mai Liên. Trong đó, 2 tác phẩm nghiên cứu Hà Nội thời cận đại: Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) của TS Đào Thị Diến và Làng làng phố phố Hà Nội của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ và đầy đặc biệt.

Hà Nội thời cận đại: Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) – Đào Thị Diến: Thêm một lần nhìn sâu vào Hà Nội thời nhượng địa

TS. Đào Thị Diến từng có một thời gian dài công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia I Hà Nội, do đó công trình của bà cũng được khởi phát từ nguồn tư liệu ở đây. Trong tác phẩm được đánh giá là toàn diện và hấp dẫn này, bà đã khảo sát Hà Nội theo cả chiều ngang cũng như chiều dọc. Trong đó chiều dọc cũng là cấu trúc của cuốn sách, đi từ 2 lần Thành Hà Nội bị chính quyền thực dân tấn công cho đến hình thành khu nhượng địa rồi cuối cùng biến đổi Hà Nội thành một Paris thu nhỏ. Ở chiều ngang, bà đã khảo sát cách chính quyền thực dân biến nơi đây thành một “thủ đô của Liên bang Đông Dương” qua nhiều khía cạnh, từ văn hóa, xã hội... cho đến kiến trúc, quy hoạch, giao thông...

Qua các tư liệu lưu trữ, có thể nói công trình của TS. Đào Thị Diến mang tính tiên phong cho việc sử dụng kho tài liệu lưu trữ. 

Trong hơn 40 bài viết, bà đã chọn ra những khía cạnh mới mẻ và đầy sống động để khắc họa lại cách mà thủ đô thay da đổi thịt. Ở đó ta sẽ hiểu rõ chiến dịch “tằm ăn lá” của bộ máy thực dân sau khi sở hữu được khu nhượng địa, cũng như rất nhiều chi tiết chưa được biết đến một cách rộng rãi về giai đoạn này, như cách đặt tên phố, quá trình phát triển của xe kéo tay Hà Nội, tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục đã gây ra những lo ngại ra sao cho chính quyền thuộc địa... Ngoài ra, một chương lớn về cách trường Viễn Đông Bác Cổ bảo vệ những cảnh quan, di tích đặc biệt như Ô Quan Chưởng, đền thờ Hai Bà Trưng, đền Bà Kiệu... cũng được khắc họa, từ đó đúc rút những bài học lớn cho ngày hiện tại.

Qua các tư liệu lưu trữ, có thể nói công trình của TS. Đào Thị Diến mang tính tiên phong cho việc sử dụng kho tài liệu này trong các tác phẩm không chỉ trong việc nghiên cứu lịch sử mà còn là sáng tạo các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, đây cũng là nguồn tham khảo quý giá cho các vấn đề ngày nay mà nhiều giải pháp của chính quyền thuộc địa đã được chứng mình là hợp lí và có khả năng áp dụng.

Làng làng phố phố Hà Nội – Nguyễn Ngọc Tiến: Đi tìm một Hà Nội của hôm nay

Từng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái cũng như vinh hạnh trở thành “Công dân Thủ đô ưu tú” vào năm 2023, trong những năm qua, nhà văn - tác giả Nguyễn Ngọc Tiến đã liên tục cho ra mắt những tác phẩm mới mẻ, thú vị về Hà Nội. Mới đây, ông đã giới thiệu Làng làng phố phố Hà Nội khai thác những lát cắt mới, khi nơi này tiến hành sáp nhập các làng, các xã thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, cũng như tận dụng những kho tư liệu mà rất ít người quan tâm chú ý khai thác trước đây.

Qua hơn 60 bài viết, Làng làng phố phố Hà Nội vẫn cho thấy một Nguyễn Ngọc Tiến nặng lòng với thủ đô qua những nghiên cứu sâu sắc và nhiều giá trị.

Cấu trúc gồm 3 phần “làng làng”, “phố phố”, “Hà Nội Hà Nội”, ở mỗi chương sách, tác giả đã đưa độc giả đến những vấn đề vô cùng mới mẻ, từ cả ngày xưa cũng như hiện nay. Trong phần làng, ông đã xoáy sâu vào tính dân gian khi gợi nhắc các lễ hội đặc biệt, các làng nghề truyền thống... Ở phố, ông lại nhắc đến những vấn đề mới hơn, từ kiến trúc, quy hoạch, giao thông... cho đến những đặc trưng riêng của từng nơi chốn, như “phố biệt thự”, “phố ngắn nhất Hà Nội”, “phố check-in, phố Tiktok”, “phố có lá me bay”...

Ở phần cuối cùng và cũng mang nặng tính suy tư nhất, Nguyễn Ngọc Tiến đã khai thác những vấn đề phổ quát của vùng đất này, từ gốc văn hóa, sự thanh lịch... cho đến những di sản công nghiệp, di sản hồ, những quầy bán báo hay công viên ghế đá... Từ đó không chỉ khảo sát lịch sử mà ông còn đi sâu vào phản ánh hiện thực ngày nay, để từ những bài học lịch sử thì thành phố này và vùng đất này có thể nhìn lại, từ đó có sự thay đổi trong tương lai sao cho phù hợp. Qua hơn 60 bài viết, Làng làng phố phố Hà Nội vẫn cho thấy một Nguyễn Ngọc Tiến nặng lòng với thủ đô qua những nghiên cứu sâu sắc và nhiều giá trị.

Bay qua Hồ Gươm - Huỳnh Mai Liên: Trong trẻo một Hà Nội trẻ thơ

Tuy không sinh ra tại thủ đô nhưng Huỳnh Mai Liên đã có hơn 30 năm gắn bó với Hà Nội. Trong tập thơ Bay qua Hồ Gươm gồm hơn 50 bài thơ, tác giả đã tái hiện lại vùng đất kinh kì qua nhiều màu sắc đặc biệt. Nổi tiếng với những vần thơ dành cho thiếu nhi, do đó những bài thơ của chị vừa trong trẻo nhưng cũng chứa chan rất nhiều cảm xúc như lời tâm sự của một người mẹ dành cho con mình. Từ những con phố đậm mùi thời gian cho đến những công trình hiện đại... đều được tái hiện một cách sống động, đa chiều mà độc giả nào cũng có thể thấy chính bản thân mình ngự trị ở đó.

Trong tập thơ Bay qua Hồ Gươm gồm hơn 50 bài thơ, tác giả đã tái hiện lại vùng đất kinh kỳ qua nhiều màu sắc đặc biệt.

Không chỉ độc đáo bởi sự trong trẻo mà Huỳnh Mai Liên cũng đã mang đến cách viết đa chủ thể, đa góc nhìn khi hóa thân mình vào nhiều hình tượng như các câu chuyện dụ ngôn. Ở đó có cây cột cờ thì thầm với gió với mây: “Ông Cột cờ Hà Nội/Ngắm đoàn khách thiếu nhi/Đoán tụi trẻ nghĩ gì/Khi thấy mình cũ kỹ”, có chú chim sẻ chiêm chiếp líu lo, có cụ rùa già kể những câu chuyện đi theo thời gian... Vì thế đây là tác phẩm dành cho rất nhiều đối tượng, trong khi người trưởng thành sẽ nhìn thấy những gì quanh mình dưới góc độ khác thì những em bé nhỏ sẽ biết tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên bừng nở mỗi ngày.

Cùng với những sáng tác, các công trình nghiên cứu khác về Hà Nội, 4 cuốn sách trên như 4 ô cửa sổ để nhìn vào Hà Nội của hôm qua và hôm nay.

Nguồn bài viết: Ngô Minh - Văn nghệ Quân đội