Những cuốn sách viết về bạo lực học đường

Thứ Năm, 28/09/2023

NDO - Bạo lực học đường, vấn nạn nhức nhối đối với trẻ khi đến trường đã được phản ánh qua nhiều tác phẩm được các nhà xuất bản chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam. Không chỉ hướng dẫn tránh hoặc cách xử lý đối với nạn bạo lực học đường, nhiều cuốn sách còn như những lời kêu cứu, cảnh tỉnh khi chia sẻ về nỗi đau mà các nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.

Những cuốn sách về đề tài bạo lực học đường. (Ảnh: Nhã Nam)
Những cuốn sách về đề tài bạo lực học đường. (Ảnh: Nhã Nam)

Marion, mãi mãi tuổi 13” (Messy Book, Nhà xuất bản Thế giới ấn hành) là cuốn sách từng gây chấn động nước Pháp năm 2015 về nạn bạo lực, quấy rối học đường. Cuốn sách được viết từ câu chuyện có thật qua lời kể của một người mẹ có con gái qua đời vì nạn bạo lực học đường.

Sách dài 200 trang, tái hiện câu chuyện đầy phẫn uất của Marion, một cô bé 13 tuổi thông minh, xinh đẹp, sống trong một gia đình hạnh phúc, mơ ước trở thành một kiến trúc sư, nhưng không bao giờ thực hiện được ước mơ đó. Cô bé là nạn nhân của chính những bạn học của mình, với những trò lừa dối, lăng mạ và xâm phạm cơ thể. Nhà trường biết sự việc ấy, nhưng họ đã lựa chọn thái độ thờ ơ, giấu giếm, điều đó đã đẩy Marion vào sự trầm uất, tuyệt vọng và bất lực, cuối cùng cô bé đã tự sát.

Sau khi ra đời, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn tại Pháp và mở ra một cuộc chiến đấu mới cho các phụ huynh cũng có con cái là nạn nhân của bạo lực học đường.

“Marion, mãi mãi tuổi 13” cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành ở nhiều nơi trên thế giới, được coi như một trong những cuốn tiêu biểu, là tiếng nói phản đối nạn bạo lực học đường đang diễn ra ở nhiều nơi.

Khi bị bắt nạt, trẻ rất cần sự trợ giúp của người lớn để giải quyết mọi việc. Nhưng người lớn thường nói chuyện với trẻ qua quýt và không triệt để. Trầm cảm, tự ti và kết quả học tập sa sút là những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đang bị bắt nạt.

- Người lớn cần chú ý đến các dấu hiệu trẻ bị bắt nạt.

- Trẻ cần biết rằng bị bắt nạt không phải lỗi của trẻ.

- Bắt nạt cần được coi là nghiêm trọng.

- Trẻ có thể không dám nói với ai, vì sợ làm mọi chuyện tệ hơn.

Cùng con đối mặt với nạn bắt nạt” là sách của hai tác giả Jane Lacey và Venitia Dean, do Nhã Nam chuyển ngữ và ấn hành. Cuốn sách này được coi là một giáo trình gia đình hữu ích dạy trẻ nhận thức được bắt nạt là hành vi xấu và biết mình cần làm gì khi bản thân hoặc người khác bị bắt nạt.

Các vấn đề đều sẽ được hóa giải nhẹ nhàng bằng tình yêu và quan tâm. Các cảm xúc được lật đi lật lại từ góc độ của trẻ và của bố mẹ lẫn bạn bè, để mọi người đều nhìn nhận thấu đáo. Xuyên suốt mỗi cuốn sách là các câu chuyện gần gũi dễ hiểu, kèm lời khuyên và giải pháp cụ thể cho trẻ. Sách còn có hướng dẫn rất thiết thực để bố mẹ áp dụng.

Ba mẹ ơi, con bị bắt nạt” của tác giả Barbara Coloroso, Nhã Nam phát hành. Cuốn sách này được coi là cẩm nang dành cho các phụ huynh và thầy cô giáo. Tác giả Barbara Coloroso đã phân tích nạn bắt nạt một cách sâu sắc dưới góc độ của kẻ bắt nạt, người bị bắt nạt và những người bàng quan, cũng như vai trò của cha mẹ và nhà trường. Qua đó, cha mẹ có thể tự tìm ra được những giải pháp cho trường hợp cụ thể của con mình. Sách được viết dày dặn và công phu.

Ngoài những cuốn sách dành cho phụ huynh, thầy cô, người lớn để tìm hiểu sâu gốc rễ nạn bắt nạt, cũng có những cuốn sách dành cho các bạn nhỏ, hướng dẫn cách đối phó khi gặp phải kẻ bắt nạt.

Tớ không sợ bị bắt nạt” của Emmanuelle Piquet là một trong số đó. Sách tập hợp những câu chuyện cụ thể của các bạn nhỏ tuổi từ 12-14, mỗi bạn có một vấn đề của riêng mình, mỗi bạn bị bắt nạt một kiểu và phản ứng của các bạn cũng rất khác nhau. Sau mỗi câu chuyện, sẽ có chuyên gia tâm lý giải đáp và đưa ra giải pháp cho trường hợp của bạn ấy. Các trường hợp trong sách khá phổ biến, vì vậy sẽ là gợi ý rất tốt để các con ứng xử khi gặp phải kẻ bắt nạt.

Ngoài ra, “Chống lại kẻ bắt nạt trên mạng” của Teo Benedetti và Davide Morosinotto cũng là cuốn cẩm nang rất tốt dành cho các em nhỏ, chứa đầy mẹo hay và những chỉ dẫn cụ thể giúp cha mẹ và con cái có được sự riêng tư, bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia vào các mạng xã hội, cung cấp các kiến thức tối thiểu để chống lại những kẻ bắt nạt ảo. Sách được trình bày mạch lạc từng phần dễ hiểu để các bố mẹ bận rộn ít thời gian vẫn có thể đọc được. Sách có minh họa rực rỡ bắt mắt khiến các kiến thức và các biện pháp chống bắt nạt được truyền tải đến các bạn nhỏ một cách tự nhiên, thú vị.

Bạo lực học đường, chuyện chưa kể: Tớ đáng sợ thế nào” của tác giả Trudy Ludwig, do Đinh Tị ấn hành lại cung cấp một góc nhìn khác về bạo lực học đường. Sách được kể dưới góc nhìn của một kẻ bắt nạt về lý do tại sao lại đi bắt nạt. Sách là những ghi chép trong nhiều năm qua của tác giả về bạo lực học đường, giúp trẻ em lựa chọn những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó cũng là lời cảnh tỉnh cho người lớn để chung tay tạo nên cuộc sống tốt đẹp cho những nạn nhân, nhân chứng và cả những em đi bắt nạt người khác.

Hà Chi (Nhân dân)

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024