Tới khi cầm trên tay “Cơm nhà nói chung là êm” của Nhược Lạc, tôi mới tin là mình đã mua cuốn thơ ấy. Vì lâu rồi, tôi không mua sách. Thông tin sẵn có rất nhiều trên các trang mạng xã hội. Sự ra đời và tính tiện dụng của podcast, của sách nói, làm tôi mất dần thói quen mua sách giấy.
Nhớ lại thì đó là một buổi trưa nắng. Vẻ ngoài màu xanh mát mắt của tập thơ làm mắt tôi dịu lại. Trang bìa là hình ảnh ẩn dụ của bữa cơm gia đình có ba người, khiến tôi tò mò bước lại gần. Lật từng trang thì thú thực, tôi thấy không có gì nổi bật. Giấy màu trắng ngà, mực in màu đen, nét vẽ minh họa giản dị và cùng màu với chữ. Thứ thu hút tôi là chiếc bưu thiếp tặng kèm. Trên đó, họa sĩ vẽ bộ bàn ghế gỗ màu nâu ấm áp, cùng chiếc lồng bàn màu đỏ và nền gạch in hoa văn. Chúng giống hệt hình ảnh trong trí nhớ của tôi về những bữa cơm tuổi thơ bên bà, bên bố mẹ và cô em gái nhỏ.
Bài thơ đầu tiên trong tập thơ mà tôi đọc, là bài “Ngày bình thường”. Trong đó, Nhược Lạc có viết:
“… ngoài phố đông láo nháo
hồ im tiếng cá bơi
một cánh buồm rong chơi
xếp lại vào ngăn tủ
hũ cám vừa mới ủ
còn chưa kịp lên men
bầy chim sẻ mới đến
còn chưa kịp làm quen
em đừng tin thề hẹn
nói bao giờ chẳng hay
chúng ta còn nhiều ngày
để ăn cơm nhau nấu
đời còn vui lắm, dẫu
buồn còn dài, và sâu
trên mảnh đất sạm màu
một quả dâu, vừa chín.”
Trong cảm nhận của tôi, bài thơ là câu chuyện hàng ngày của nhiều gia đình. Tôi thấy bữa cơm nhà có chồng có vợ. Tôi thấy những món ăn giản đơn. Tôi thấy những câu chuyện nhỏ hàng ngày, được vợ chồng kể nhau nghe, như câu chuyện về bầy chim sẻ. Đây vốn dĩ là những câu chuyện bình thường nhưng lại mang trong mình sức mạnh to lớn của tình yêu và sự chia sẻ. Không khí ấm áp của gia đình đã làm sống lại “mảnh đất sạm màu” và tạo nên điều kỳ diệu, là “một quả dâu, vừa chín”.
Tôi muốn nhờ trò chơi nối thơ để nối tiếp bài thơ của Nhược Lạc. Đoạn thơ ngắn dưới đây là lời chúc hạnh phúc và bình an của tôi. Xin được gửi đến bạn:
“chín trăm, chín vạn ngày
em tin lời thề hẹn
rằng anh về đúng hẹn
cùng ăn bữa cơm nhà
trong lòng em, mãi là
hơn ngàn vạn lời nói.”