CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Trên đường đời tấp nập, dẫu có những lúc hụt hơi, đứt quãng nhưng cũng đầy những khoảnh khắc reo vui, thổn thức khi ta được gặp gỡ và tái khám phá ra muôn điều kỳ diệu trong những trang sách. Nhờ “CHIẾN BINH CẦU VỒNG” tôi đã gặp lại tôi của hơn ba mươi năm về trước.
Qua những trang sách trong trẻo ấy, dường như Andea Hirata đã ký gửi những ước mơ và niềm đam mê học tập để gửi đến tất cả những đứa trẻ nông thôn, những đứa trẻ phải sống trong gian nan, nghèo khó. Hòn đảo Belitong-Indonesia, nơi mà việc giáo dục dường như đã trở thành một nỗ lực vô ích với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái nghèo khó. Nhưng trong vũng sình lầy đó, việc làm thầy, việc làm trò và việc học lại hiện lên cao đẹp làm sao! Một thầy Harfan, một cô giáo trẻ tên Mus và những đứa trẻ trường tiểu học Muhammadiyah đã hiện lên hết sức can trường đầy nghị lực nhưng cũng vô cùng trong trẻo. “Chiến binh cầu vồng” đó là Lintang – hằng ngày vẫn đạp xe bốn mươi cây số băng qua khu đầm lầy cá sấu để đến trường. Đó là Mahar – một chiến binh với sự thông minh lém lỉnh của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự thay đổi số phận vĩ đại mà các bạn mình đã đặt ra…
Tôi đọc thấy giữa những khoảng trắng của hai dòng chữ trong từng trang sách ấy sự gắn kết kỳ diệu giữa ước mơ với nỗ lực, giữa khát khao tri thức với sự bền bỉ vượt khó.
Cuốn sách được viết bằng ngòi bút tinh tế, chân thực và vô cùng gần gũi. Vì lẽ đó mà tôi cũng mãi loay hoay không muốn rời ký ức tuổi thơ gian khó của mình. Tôi cảm nhận được niềm vui, nước mắt và sự chân thành của tác giả qua từng con chữ. Cám ơn tác giả Andrea Hirata và những “chiến binh cầu vồng” cùng sự tử tế của những tấm lòng kiên nhẫn trong sự nghiệp giáo dục.