“Nhớ lại hồi đó. Vào cái thời của chúng ta, cháu đã không biết rằng nhiều năm trước đó, một hoàng từ ngốc nghếch đã quỳ trước một bệ thờ và với đôi mắt ngấn lệ, chàng hỏi các vị thánh, “Tại sao người ta lại nói cho bọn trẻ biết nhiều chuyện như vậy trong khi chúng còn bé như thế?”
Ông Bồ yêu quý của cháu, sự thực là người ta đã cho cháu biết mọi chuyện quá sớm”
Tạm biệt!
Ubatuba, 1967”.
Dường như ngần mười năm đọc sách, chưa có tác phẩm nào khiến mình day dứt đậm sâu như thế. Không giống nhiều bạn đọc khác, chẳng có giọt nước mắt nào rơi ngay cả khi mình khép lại câu chuyện này.
Sững sờ. Chỉ có hai từ ấy siết lấy xác thân mình. Ở chương 8 của tác phẩm, bạn có để ý rằng sau khi thổ lộ tất thảy những đớn đau, dồn nén hơn nửa cuộc đời, Zezé năm 48 tuổi đã đề ra cái tên là: “Lời thú nhận cuối cùng” kèm với hai từ vỏn vẹn ở cuối trang “Tạm biệt!”.
Phải chăng sau sự ra đi của ông Bồ, của cậu em trai “sẽ tiến xa” - Luís cùng người chị từng bảo vệ cậu bằng tất cả những gì mình có - Glória, đã không còn điều gì níu giữ Zezé ở lại nữa. Cậu ấy đã dấn bước lên thiên đường, đó là mong ước ngày cậu 5 tuổi.
Lần này, Zezé khi trưởng thành sẽ không đợi cây cam ngọt gửi lời từ biệt cậu bằng một bông hoa trắng nhỏ nữa… Không phải vì cây cam bé nhỏ đã bị người ta chặt đi mất, mà là chính tay Zezé đã đục khoét tâm hồn non thơ của mình để trao trả cây cam ngọt cùng chú chim nhỏ thuở trước cho những đứa trẻ khác trên đời.
Bước ra khỏi khu vườn nhà Zezé, mình vẫn không sao đành lòng mà cứ lững thững đi tìm những gì còn sót lại của một cây cam. Nhưng sau rốt, chẳng còn gì trên mặt đất cỗi cằn yêu thương đó.
Hằng mong mỗi người lớn đều có thể thấu suốt sự “hiểu chuyện”, “nhạy cảm” và “khôn trước tuổi” của những đứa trẻ gần gụi mình để có ánh nhìn bao dung hơn, dịu dàng hơn trước những gì chúng thể hiện. Chỉ như thế, một đứa trẻ mới đúng nghĩa là một đứa trẻ, chứ không phải một người lớn trong hình hài tí hon.