"Trên trường kỷ, ngọn đèn con và cái điếu cũ kỹ. Con mèo già tròn mình nằm bên cạnh, maté lim dim trong sự bình yên và nhàn nhã. Thanh trông thấy cảnh ấy đã nhiều lần. Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế. Căn nhà với thửa vườn này đối với chàng như một nơi mát mẻ và hiền lành, ở đấy bà chàng lúc nào cũng sẵn sàng chờ đợi để mến yêu chàng."
(Sợi tóc - Thạch Lam)
Những áng văn của Thạch Lam vẫn luôn nhẹ nhàng, sâu lắng và xao động đến lạ lùng…
Trong tập truyện ngắn cuối cùng của sự nghiệp văn chương - "Sợi tóc", nhà văn cũng đã vận dụng khéo léo những cảm nhận tinh tế, nhạy cảm của mình, làm cho người đọc chợt thổn thức, và khẽ buồn…
Cái buồn ấy là cái buồn thân phận, cái buồn tủi hờn của Liên và Huệ trong "Tối ba mươi", cái bi kịch của những kiếp người đứng bên rìa cuộc đời, cô đơn mà bẽ bàng vô cùng.
Cái buồn ấy là cái buồn của một mối "Tình xưa" mà kẻ thì hết lòng, còn người thì phụ bạc.
Cái buồn ấy là cái buồn da diết của "Cô hàng xén", chiếc bánh xe quay tròn, làm cho những thân phận nhỏ bé mãi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ấy, chẳng còn hạnh phúc, chẳng còn cái vẻ yêu đời của một người con gái. Tất cả, đọng lại là một bờ vai tảo tần, lặng lẽ đi vào bóng tối sau lũy tre làng.
Và còn có cả cảm giác tội lỗi, cay đắng khi Thành nhận ra bản thân mình đã đứng bên bờ vực của sự tha hóa, mất đi những thiện lương trong con người mình.
Cái buồn, cái bi kịch trong những áng văn của Thạch Lam không quá dữ dội, không giằng xé và bị đẩy lên cao trào như văn Nam Cao. Mà cái xót xa cứ âm thầm len lỏi vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn, mỗi khi ta đọc văn Thạch Lam. Ở đó, ta còn thấy một xã hội mà người phụ nữ bị coi rẻ vô cùng. Đó là bữa cơm riêng nhà bà Cả, là cảnh phải gánh vác mọi việc trong nhà của cô Tâm hàng xén, là cái tình bị khinh khi của cô Lan, là kiếp sống trụy lạc của Liên và Huệ… Ta cùng thấy hiện lên hình ảnh những người chồng, những ông bố "ăn ở bạc" chỉ biết ăn chơi và chửi đổng…Hay văn hóa làng quê Việt Nam được lồng ghép một cách chân thật và mộc mạc.
Chỉ là sau cùng, ta vẫn tìm thấy một chút bình yên "Dưới bóng cây hoàng lan" và những yêu thương trìu mến, dù rất nhỏ…