MS157 - Nơi em quay về có tôi đứng đợi - Nguyễn Đan Như Ý

Thứ Sáu, 17/11/2023

-“Cho dù đêm nay là đêm Giáng Sinh cuối cùng, em cũng không hề thấy buồn.
-Ừ.
-Anh biết tại sao không?
-Tại sao?
-Vì lúc này đây em đang cực kì hạnh phúc.
-Vậy à?
-Vâng. Thế này là đủ lắm rồi. Em cũng giống như lũ chó vậy, không tham lam nhiều, thoả mãn với cuộc đời, sau đó từ từ tan biến.”
Xuyên suốt mạch truyện, mọi việc diễn ra một cách chậm rãi và nhẹ nhàng. Anh và cô sẵn sàng từ bỏ gia đình, bạn bè, người thân để được ở bên nhau. Thế giới của họ chỉ tồn tại trong đôi mắt của đối phương. Nhưng tưởng chừng hạnh phúc sẽ kéo dài, thì biến cố bắt đầu xuất hiện. Cô mắc phải một căn bệnh, à không, gọi là căn bệnh thì cũng không đúng, đúng hơn là một hiện tượng, một hiện tượng kì lạ khiến cho bản thân bị thu nhỏ lại.
Cô từ một người phụ nữ hai mươi ba tuổi dần dần bị thu nhỏ lại thành mười bảy, mười lăm, tám rồi trở thành một cô bé chỉ tầm bốn tuổi. Mặc dù vậy cô cũng không hề hoảng loạn mà sẵn sàng đối mặt với nó, vì cô biết cô còn có anh ở bên cạnh. Anh cùng cô đồng hành suốt quá trình bị thu nhỏ đầy đau đớn. Họ cùng nhau trở về đi tìm những kỉ niệm xưa, khu rừng, ngôi đình,…Cả hai cùng nhau đi lại hết những nơi tràn ngập những kỉ niệm giữa cô và anh. Cuối cùng thì họ trở về căn nhà của mình, nơi mà đáng lẽ sẽ có những tiếng cười hạnh phúc của cả hai, cùng với đứa con chưa kịp chào đời. Tại đây, cô đã hoàn toàn biến mất.
Tác giả quá đỗi tàn nhẫn với chính nhân vật của mình, ông không dùng theo cách hành văn truyền thống là một người sẽ chết vì tuổi già còn người kia ở lại với những nỗi niềm thương nhớ day dứt, ông sử dụng cách thức ngược lại, khiến cho một người bị tiến hoá ngược trở lại thành một tế bào rồi biến mất. Điều này cũng để lại cho nhân vật sự đau đớn không kém. Tuy nhiên, ông vẫn có một chút nhân từ khi liên tục ẩn ý rằng cô sẽ tái sinh thông qua lời của người vợ mục sư:
“Đứa con gái đã chết trở về thế chỗ của người vợ, người vợ biến thành con gái.”
Hình ảnh cái chai thuỷ tinh đựng đinh ốc được đặt ở trên chiếc bàn gỗ trong ngôi đình ở sâu trong rừng sau mười năm từ khi cô ra đi. Đây là một minh chứng cho thấy rằng cô đã thực sự tái sinh.
“Cuộc đời vốn là những chuỗi hội ngộ và chia ly. Hội ngộ là để chia ly. Chia ly là để có ngày hội ngộ.”
 

Viết bình luận