MS054 - Thiên táng - Như Trương

Thứ Hai, 13/11/2023

“Thiên Táng” đến với mình theo cách ngẫu nhiên nhất. Hôm ấy Hà Nội giở giời nồm, mình lang thang ra Nhã Nam Nguyễn Quý Đức. Phần mua đại cuốn nào đấy để lên máy bay đọc, phần vì nghe tin hôm đó là ngày cuối hiệu sách còn mở.
Cuốn sách như thước phim kể về hành trình tìm lại vị hôn phu của Thư Văn - cô bác sĩ vùng Tô Châu. Mang theo tình yêu và khát vọng cháy bỏng, Văn bỏ lại đô thành, tiện nghi và dấn thân đến Tây Tạng, bất chấp sự can ngăn của mọi người hay số mệnh phủ màn sương mịt mù để đi tìm Khả Quân - người đầu ấp tay gối chưa tròn 100 ngày của mình.
Bên cạnh thiên tình sử, Hân Nhiên đã trọn vẹn bắt lấy những ký ức về miền đồng cỏ. Nào là thảo nguyên xanh mướt, lấp ló mấy ngọn đồi xa xen lẫn thung lũng xanh. Đàn bò, đàn dê thong dong gặm cỏ trên các sườn dốc, uống nước mát từ con suối thượng nguồn. Nếu có thêm điệu sáo trúc, hẳn đây là bức tranh thảo nguyên hoàn hảo!
Mình thích cách tác giả khắc họa sự tương phản giữa hai cuộc sống của Thư Văn: ở quân đội và trên thảo nguyên. Cả hai đều tràn ngập sự nhung nhớ, khắc nghiệt, nhưng sự sống tràn ngập phản chiếu lấp lánh nhất khi Văn hòa mình vào núi đồi, cỏ cây. Bà tìm thấy “dấu ấn cuộc sống” qua ngựa, cỏ, và không gian. Hàng chục năm ròng, Tây Tạng hóa “quê hương tinh thần” của Văn. Là tóc, là thân, là hơi thở, là giọng nói và cách nghĩ của bà.
Không chỉ thế, Hân Nhiên còn thành công khởi lên ham muốn tìm hiểu về Tây Tạng ở người đọc. Phiến đá khắc chữ, chuỗi vòng hạt, mười ba ngọn núi thiêng, nhịp sống nghiêm nghị hay tập tục tôn giáo đầy màu sắc, chúng thay nhau dẫn dắt mình đi hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Họ, những người dân Tây Tạng, thật sự “sống”. Họ tin vào thiên nhiên, núi rừng, đất trời. Họ tự thuộc da, nấu nướng, chăn thả. Họ sẵn sàng chào đón bất kỳ ai ghé thăm căn lều với bữa ăn thịnh soạn nhất. Họ quỳ gối và cúi đầu trước niềm tin tôn giáo và những trái tim quả cảm.
“Thiên Táng” thôi thúc mình đặt chân đến Tây Tạng một ngày không xa - vùng đất của thảo nguyên, đồng cỏ, của bò, cừu, tu viện và tôn giáo. Cuối tác phẩm, Hân Nhiên để lại vài dòng cho Thư Văn với hy vọng trùng phùng. Mình đã gửi lời chúc đến trời cao, hy vọng tác giả có ngày trùng phùng với nhân vật trong chính quyển sách mình tự tay viết ra. Mong rằng điều kỳ diệu ấy sẽ xảy ra!

Viết bình luận