MS023 - 12 năm nô lệ - Yến Nhi

Thứ Sáu, 10/11/2023

12 NĂM NÔ LỆ - SOLOMON NORTHUP


Đó là 12 năm xót xa và khổ nhục.
Đó là 12 năm vất vả và cay đắng.
Đó là 12 năm thay đổi đời người.

Cuốn sách "12 năm nô lệ" là hành trình thăng trầm của Solomon Northup – một người đàn ông da đen đã có vợ và 2 con sống tại New York ở thế kỷ 19, gia đình anh ấy là người “tự do” và có cuộc sống khá sung túc và được người dân trong vùng kính trọng vì nhân cách và tài năng chơi đàn violin. Solomon là một nghệ sĩ chơi đàn Violin, sinh ra trong “tự do” và được giáo dục tử tế, trong một sự kiện thiếu cẩn trọng, Solomon đã bị bắt cóc, đem đến các ban ở miền nam và được bày bán. Chính tại thời điểm đó, hành trình "12 năm nô lệ" của Solomon Northup đã bắt đầu, thậm chí bản thân tác giả cũng đã "thay thân đổi phận" nhiều lần.

Kể từ đây, Solomon không còn tự do nữa.
Kể từ đây, Solomon không còn cơ hội để đoàn tụ với gia đình nữa.
Kể từ đây, Solomon không còn đắm chìm trong một thế giới nghệ thuật diệu kỳ nữa.
Kể từ đây, Solomon sẽ nếm trải mùi vị cay đắng của đời.

“Sự tồn tại của chế độ nô lệ, trong các dạng thức tàn bạo nhất có thể, đã phần nào xóa bỏ cái thiện lương tốt đẹp trong con người.”

Tự truyện “12 năm nô lệ" (12 Years a Slave) của Solomon Northup sở hữu một sức mạnh lay động lòng người khi đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc kinh hoàng. Thông qua cái nhìn của nhân vật Solomon Northup, người đọc (là mình) cảm tưởng có mặt ở đó và nhìn thấu sự thật kinh hoàng mà người da màu đã phải trải qua từ thế kỷ 19. Solomon Northup gai góc, nhẫn nhịn, có ý chí kiên định không thể lay chuyển, âm thầm chiến đấu với cuộc đời và với chính bản thân mình để không bao giờ mất đi niềm tin trong việc tìm lại tự do và quay về với gia đình.

Khi trang sách khép lại, mình đã tự hỏi, trong suốt 12 năm, Solomon Northup đã trải qua và cảm nhận những gì? Có chăng là mùi vị nước mắt mặn chát? Có chăng là bao dòng máu chảy chẳng tiếc, rướm trên tấm thân của những người da màu? Có chăng là nỗi đắng cay phải che đậy trong bóng tối? Có chăng là tiếng khóc than trong từng lời hát tiến tới thiên đường? Có chăng là muôn trùng xúc cảm của những cuộc đời gian khổ?

Viết bình luận