“Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” - Bản án là sự lặp lại

Thứ Năm, 24/07/2025

Tuy không phải là tác phẩm đầu tay của Alexander Solzhenitsyn, thế nhưng “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” lại có vị thế vô cùng quan trọng, khi đã đưa tên tuổi ông vượt khỏi biên giới nước Nga để đến với giới phê bình quốc tế. Nó cũng góp phần giúp ông được trao giải Nobel Văn chương 1970 vì “sức mạnh đạo đức mà ông đã nối tiếp truyền thống lâu đời của văn học Nga”.

Ra mắt vào năm 1962, “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” là một tiểu thuyết được viết từ những trải nghiệm trong khoảng thời gian mà Solzhenitsyn phải ngồi tù ở vùng Siberia trong vòng 8 năm, từ năm 1945 – 1953. Có thể thấy được rất nhiều yếu tố tự truyện trong tác phẩm này. Cuốn sách thuật lại hoạt động một ngày của tù nhân Ivan Denisovich hay còn được gọi là Shukhov trong trại xá 9 thuộc công khu 104 trong một trại giam ở vùng hẻo lánh nước Nga. Bằng tính hiện thực chân thực và ngôn ngữ sắc bén, Solzhenitsyn đã tạo nên một bức tranh vô cùng sống động về chốn địa ngục trần gian, cũng như một lòng tin tưởng vào cái đẹp vẫn luôn kiêu hãnh hiện diện ngay tại những nơi tưởng là bất khả.

Hiện thực tàn khốc

Ít có nền văn học nào đậm tính hiện thực như là nước Nga. Chắc hẳn cũng vì điều này mà không ít người cho rằng motif của các tác phẩm đến từ nước này gần như tương đồng, trùng khớp lên nhau. Chỉ cần đọc một tác phẩm và thấu hiểu chủ nghĩa hiện thực, sứ mệnh anh hùng… thì suốt cả đời, ta không cần đọc thêm tác phẩm khác. Nếu Sholokhov tạo được dấu ấn rất riêng trong việc khắc họa 10 năm gian khổ đầu thế kỷ 20 ở bộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” với sức mạnh anh dũng, hào hùng; thì Solzhenitsyn lại là cái tên nhắc ta nhớ về hiện thực song song, nơi không còn những đội quân Cozak anh dũng, mà chỉ còn là những con người riêng giờ bị dập vùi. Chúng gợi nhớ đến cuộc chiến thiện – ác được kế thừa từ Dostoievski, nhưng trong khuôn khổ của những hàng rào kẽm gai và các nhà tù.

Trong “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, ta đã thấm nhuần tất cả nỗi khổ mà một tù nhân đã phải chịu đựng. Được kể từ góc nhìn của Shukov – một tù binh tham gia vào các hoạt động thường ngày nơi đây, Solzhenitsyn đã khắc họa thành công cái đói, cái nghèo và cái cùng cực của một kiếp sống không còn hy vọng. Từ nhiệt độ xuống âm, thức ăn không đủ để cho dạ dày khỏi phải co thắt cho đến những sự cưỡng chế từ các cấp trên không ngừng giáng xuống… tất cả đã khiến những người vì lý do này hay lý do mất hết hy vọng. Và không ít lần ta phải tự hỏi, có còn điều gì đau đớn hơn nữa khi một con người không còn hy vọng?

Trong “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, ta đã thấm nhuần tất cả nỗi khổ mà một tù nhân đã phải chịu đựng

Chính bởi làm việc quá sức, chính bởi những sự thiếu ăn… mà có đôi khi tự do còn không bằng được một điếu thuốc hút hay bát cháo kê. Tương lai của họ cũng được tô đen một màu não nề, bởi bản án này sẽ lại nối tiếp một bản án khác, cứ thế dài ra, tiến đến không ngừng. Như Shukhov nói: “Đừng có đếm tất cả những năm phải thọ hình […] Cho nên chỉ đành cúi mặt mà sống như vậy và cũng chẳng có thì giờ đâu mà suy nghĩ tại sao lại vào đây và bao giờ mới được ra”. Nói về chủ nghĩa hiện thực, nhưng chính bản thân Solzhenitsyn dường như cũng đã mệt nhoài với những lý tưởng mà sứ mệnh của dòng văn này cần phải truyền tải, đó là mang đến niềm tin cũng như hy vọng.

Xuyên suốt cuốn sách, ta có thể thấy ông không bao giờ cố gắng rao giảng một lý thuyết nào. “Một ngày” đúng như một ngày – chỉ là thức dậy, lao động, ăn uống, ngủ nghỉ và lại lao động. Còn có gì khác trong một cuộc đời của người tù nhân? Solzhenitsyn không hề tạo ra một người anh hùng – người sẽ dẫn dắt những con người này đến nơi tươi đẹp, có lẽ bởi ông hiểu rõ không gì có thể thay đổi được định mệnh này. Đến cuối cuốn sách đồng thời là tàn canh một ngày, Shukhov còn nghi ngại cả đức tin nào đó – một vị bảo trợ mà con người ta vẫn thường dựa vào – khi không còn biết phải tin tưởng ai. Không hy vọng, không đức tin – tất cả đã làm rõ ràng những nỗi tuyệt vọng của một kiếp sống “có được là người”.

Bông huệ trong thung

Và bởi một ngày chỉ là một ngày, nên ngay từ tựa sách, Solzhenitsyn đã giáng một đòn chí mạng vào trong người đọc. Bởi lẽ những sự nhàm chán, lặp đi lặp lại là lời đả phá cũng như tố cáo những tội ác đó. Khi những khoảnh khắc chồng lấn lên nhau, đó cũng là khi con người chết gục. Họ dần đồng nhất vào chính nếp ngày của bản thân mình, để một con người không còn được tạo nên từ máu, từ xương, từ da, từ thịt… mà là tổ hợp của những câu hỏi: “Liệu chúng có tìm thấy khúc bánh mì đó trong nệm không? Liệu các y tá có cho mình vào danh sách người bệnh chiều nay không? Liệu chúng có cho ông Đại úy nằm nhà mát hay không?”... Không một oán than, không bi kịch hóa, chính cái khô khốc lên đến lạnh lùng của sự lặp lại đã góp phần lớn tố cáo tội ác.

Ngay từ tựa sách, Solzhenitsyn đã giáng một đòn chí mạng vào trong người đọc.

Thế nhưng cũng như quan niệm văn chương của Solzhenitsyn: “Sống là không dối trá”, trong ánh sáng của sự nghiệt ngã, ta vẫn thấy được ánh lên đâu đó chính là vẻ đẹp của sự thiện lương. Solzhenitsyn viết về hiện thực nhưng ông không chọn nhìn thấy chỉ tuyền đau khổ, mà cũng còn là vẻ đẹp đến từ con người. Như truyện ngắn “Ngôi nhà của Matryona” quãng đầu sự nghiệp, con người dẫu bị đè nén đến mức độ nào thì từ bản chất họ vẫn còn sáng ngời một tính nhân văn. Trong truyện ngắn đó, một bà lão già tuy không có tiền của, sức lực, nhưng khi hàng xóm nhờ bà gánh hộ một gánh củi hay nhờ giúp sức việc vặt nào đó… thì bà cũng không ngần ngại gắng hết sức mình. Đó là bông huệ bừng nở trong thung, trong ánh chói lòa của cõi hỗn mang tưởng như loạn lạc.

Tương tự như thế ở “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, ta thấy đó là Shukhov yêu mến lao động, người dẫu thân thể đã dừ ra rồi thì khi xây tường cũng vẫn mang theo trách nhiệm để nó thẳng thớm và đạt tiêu chuẩn. Đó cũng là công khu trưởng Tyurin, người bằng một cách giúp các thành viên trong nhóm của mình không phải đi đến khu Phát triển cộng đồng để làm việc dưới trời âm độ, không có mái che. Đó cũng là những người như Senka, Đại tá… những người dù có thiếu thốn nhưng vẫn giữ trong mình một sự coi trọng danh dự, đối đãi với đồng đội mình bằng tất cả những gì bản thân có thể... Cái ác trong văn chương của Solzhenitsyn luôn hiện hình dưới dạng đám đông, nhưng có thể thấy ông không quy chụp, mà trong đám người đã biến chất ấy, cũng có những tâm hồn lạc bừng nở bất ngờ.

Ánh sáng thiện lành của những người này thoáng qua như cực quang soi chiếu chốc lát giữa một đêm trường gần như tăm tối của những ngày dài lặp đi lặp lại. Nó là điểm neo giúp những tù nhân sống qua một ngày dẫu trong tình cảnh bất khả tồn tại. Trong chủ nghĩa hiện thực của Solzhenitsyn, ta thấy cái ác cũng như cái thiện song hành cùng nhau, và ông cũng viết nó rất hiện thực, khi vế sau dẫu có làm gì thì cũng không bao giờ thắng được vế trước. Solzhenitsyn đã không hồng hóa hay cố nhuộm màu cho hiện thực âm u, mà từ những ánh sáng mong manh và lờ mờ ấy, ta như thấy được những điều tốt đẹp vẫn còn, và cứ như thế họ lại bước tiếp thêm một ngày mới nữa trong sự cam chịu và những ấm áp thoáng qua.

Solzhenitsyn đã không hồng hóa hay cố nhuộm màu cho hiện thực âm u

Như ông từng viết trong Diễn từ nhận giải Nobel rằng: “Tự thân tác phẩm nghệ thuật đã mang trong mình một sự kiểm chứng. Những tác phẩm đã đong đầy sự thật và thể hiện điều đó cho chúng ta một cách cô đọng, sinh động thì sẽ chinh phục, lôi cuốn chúng ta mạnh mẽ mà không một ai, không một đời nào, thậm chí sau nhiều thế kỉ, có thể phủ nhận chúng”. Cuộc đời và di sản của Alexander Solzhenitsyn trong các năm qua không ngừng nhắc nhở cái ác vẫn luôn còn đó, dẫu ta bất lực để cải thiện nó, thì vẫn luôn có những trái thiện lành mọc giữa bùn lầy, chờ được phát hiện và trao vị ngọt. Nếu có niềm tin vào những điều thiện dù là nhỏ nhất, thì vách đá gian nan sẽ tự mọc ra những điểm tựa nương, giúp ta đi qua những cơn bĩ cực.

Nguồn: Minh Anh