'Hố đen sâu thẳm' – tấm màn dị thường được dệt nên từ chất liệu đời sống thường ngày

Thứ Năm, 28/09/2023

“Hố đen sâu thẳm” là một tiểu thuyết tâm lý rùng rợn của Pyun Hye Young, đã từng đoạt giải Shirley Jackson Award (giải thưởng văn học được đặt theo tên của Shirley Jackson, nhà văn Mỹ nổi tiếng với các tác giả kinh dị/bí ẩn) năm 2017 và lọt top 10 sách ly kỳ rùng rợn cần đọc mùa hè cùng năm của tạp chí TIME.

    Câu chuyện mở ra với cảnh Ogi, một giáo sư Địa lý tại trường đại học, tỉnh dậy do hôn mê sau một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc đã cướp đi sinh mạng của vợ anh. Ogi tuy sống sót nhưng bị liệt toàn thân, chỉ có thể giao tiếp bằng cách chớp mắt, cuộc sống giờ đây phải hoàn toàn dựa dẫm vào người mẹ vợ xa lạ và kỳ quái.

    Từ một cuộc sống đủ đầy, sự nghiệp xán lạn, bạn bè đề huề giờ cả thế giới của Ogi thu nhỏ lại thành một chiếc giường nằm trong căn phòng nhỏ và những hồi tưởng miên man về quá khứ. Theo dòng ký ức của Ogi, người đọc dần dần được hé lộ từng mảnh ghép cuộc đời anh: mẹ tự tử khi anh còn nhỏ, cha anh cũng mất sớm vì bệnh ung thư; anh và vợ gặp nhau ở trường đại học, cô tham vọng trở thành một nhà báo nổi tiếng còn anh chỉ theo đuổi cô mà không có bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, cuối cùng sự nghiệp của vợ anh lỡ làng trong khi Ogi đã trở thành một giáo sư, sự nghiệp ổn định, còn mua được một căn nhà có sân vườn.

    Bìa cuốn tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm.

    Tuy nhiên, không phải mọi ký ức của Ogi đều tươi đẹp, khi trút bỏ hết lớp vỏ bọc hào quang do quá khứ khoác lên, người đọc bắt đầu cảm nhận được những bất thường ở cuộc hôn nhân của Ogi (vợ chồng anh ngày càng xa cách, anh thậm chí đã ngoại tình với đồng nghiệp dạy cùng trường) và buộc phải nghi ngờ tính chân thực của câu chuyện được kể qua điểm nhìn của anh.

    Đặc biệt, sự bất thường này ngày một rõ ràng hơn với sự hiện diện áp đảo của mẹ vợ Ogi. Ngay khi từ bệnh viện trở về, bà bỏ mặc Ogi, tìm mọi cách để sỉ nhục anh trước mặt người khác (cho anh đi tiểu, thay đồ cho anh trước mặt khách), và kinh hoàng nhất là khi Ogi phát hiện mẹ vợ đang nhổ đi đám cây mà vợ anh trồng trong khu vườn và ra sức đào xới. Và khi được hỏi đến, bà ấy chỉ nói rằng bà đang cố kết thúc những gì mà cô con gái quá cố đã bắt đầu.

    Một cái hố để trồng cây? Một cái hố để làm bể cá? Hay một cái hố… dành cho kẻ liệt giường?

    Qua câu chuyện có phần kịch tính như phim truyền hình Hàn Quốc này, ta nhận thấy Pyun Hye Young đã dệt nên một tấm lưới dị thường bao phủ tác phẩm của mình từ chính những chất liệu bình thường nhất của đời sống – và có lẽ cũng chính bởi vậy mà nó càng đáng sợ và rợn người hơn bao giờ hết.

    Quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, công việc, tham vọng, sa ngã, tình yêu, thù hận, địa vị, suy đồi – Pyun Hye Young không bày ra yếu tố gì khác lạ mà chầm chậm đào sâu vào những cốt lõi của một cuộc sống bình thường, theo quy chuẩn xã hội. Và ta sớm nhận thấy, cái bình thường đã mục ruỗng từ bao giờ: Ogi và vợ đã sớm xa cách từ trước khi một hố đen sâu thẳm hữu hình tồn tại, rõ rệt nhất ở cách anh ta ngấm ngầm coi thường mọi việc vợ mình làm, ôm một thái độ thượng đẳng trong mối quan hệ với vợ, bàng quan trước cảm xúc của vợ và đã vượt ranh giới tới mức ngoại tình; quá trình thăng tiến của Ogi trong sự nghiệp cũng không hoàn toàn chính trực, anh đã ít nhiều dùng thủ đoạn để vượt mặt đồng nghiệp – và phải chăng bởi vậy, “tai nạn” ban đầu thực chất là một cái kết tự hủy không tránh khỏi?

    Hố đen sâu thẳm triển khai mạch truyện một cách chậm rãi. Câu chuyện không phát triển dồn dập hay kịch tính nghẹt thở mà chậm rãi trong sự bất an và căng thẳng. Cường độ căng thẳng tăng dần theo từng chương với sự tăng dần mức độ Ogi bị mẹ vợ hành hạ và sự rơi rụng của những lớp hình ảnh Ogi tự tô vẽ cho mình. Pyun Hye Young đã thành công trong việc duy trì nhịp truyện vừa đủ gây hiếu kỳ vừa tạo một bầu không khí bí bách và ngột ngạt rất riêng.

    Pyun Hye-young sinh năm 1972 tại Seoul. Cô hoàn thành bằng cử nhân sáng tác và thạc sĩ văn học Hàn Quốc tại Đại học Hanyang, hiện đang giảng dạy môn Sáng tác tại Đại học Myongji. Cô có hai tiểu thuyết đã được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam, là Tro tàn sắc đỏ và Hố đen sâu thẳm (tác phẩm giành giải Shirley Jackson năm 2017).

     

    Phương Đào (Tạp chí Người điện tử)

    Điều nhỏ bé phi thường

    Điều nhỏ bé phi thường

    Người bạn phi thường (tựa gốc tiếng Ý: L'amica geniale, tựa tiếng Anh: My Brilliant Friend) là phần mở đầu cho bộ 4 tiểu...

    Thứ Hai, 26/08/2024