Dấu ấn văn chương Đài Loan

Thứ Hai, 04/11/2024

 

Buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề văn chương Đài Loan và tác phẩm Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành của Ngô Minh Ích vừa được tổ chức ngày 2.11 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ngô Minh Ích là một trong những tên tuổi nổi bật của nền văn chương Đài Loan đương đại với nhiều tác phẩm thành công nội địa cũng như hải ngoại. Với sức sáng tạo đa dạng từ tiểu thuyết đến truyện ngắn, từ câu chuyện quá khứ đến thảm họa môi trường cùng nghệ thuật viết hiện thực huyền ảo có dấu ấn riêng, ông là nhà văn Đài Loan đầu tiên được đề cử ở giải Man Booker quốc tế với cuốn tiểu thuyết Chiếc xe đạp mất cắp. Tại VN, 2 tác phẩm trên đã được chuyển ngữ cùng Người mắt kép. Nhà ảo thuật trên cầu bộ hành là tác phẩm gần nhất được dịch, trước đó đã được chuyển thể thành phim truyền hình và gặt hái thành công ở Nhật Bản, Hàn Quốc...

TS Phan Thu Vân, Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ nhiều dấu ấn của văn chương Đài Loan

Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính nhớ lại ký ức của mình khi còn là một đứa trẻ sống tại một khu chợ ở Đài Bắc thập niên 1970. Từ chủ đề ký ức và quá khứ trong tiểu thuyết này, các diễn giả tại tọa đàm đã phóng chiếu đến văn chương Đài Loan từ năm 1920, từ đó mang đến những hiểu biết căn bản về lịch sử văn chương của hòn đảo này qua các chặng đường hình thành, phát triển cũng như trả lời câu hỏi quan trọng: Thế nào là văn chương Đài Loan?

Các diễn giả trong buổi toạ đàm: PGS. TS Lê Quang Trường, TS Phan Thu Vân và ThS. Nguyễn Hồng Anh

Ngoài ra, quá trình tiếp nhận văn chương của Đài Loan tại VN cũng được nhắc đến, từ thập niên 1980 với tiểu thuyết kiếm hiệp của Cổ Long, tiểu thuyết lãng mạn của Quỳnh Dao, Trương Ái Linh... Hai thập niên qua, văn chương Đài Loan ngày càng phổ biến với sự xuất hiện của Lưu Niệt Âu, Diệp Thạch Đào, Trần Trường Khánh, Bạch Tiên Dũng, Khâu Diệu Tân, Ngô Minh Ích, Kevin Chen, Cửu Bả Đao... Với chính sách quảng bá văn hóa và tài trợ xuất bản hiện nay, các diễn giả cho rằng sự ghi nhận quốc tế dành cho văn chương Đài Loan ngày càng lớn hơn như Han Kang (Hàn Quốc) đã làm được gần đây.

Nguồn bài viết: Tuấn Duy - Báo Thanh Niên