Các con không cần cha mẹ hoàn hảo mà chỉ muốn là cha mẹ của mình. Vì thế, tìm thấy bản sắc trong chính việc làm cha mẹ là điều quan trọng.
Vụ án sàn nhà ướt
Khi Th.S tâm lý học Phương Hoài Nga leo hết 4 tầng gác để vào nhà thì đã thấy phòng vệ sinh lênh láng nước, sọt quần áo bẩn thành xô chứa nước, thảm ướt nhẹp. Sam (3 tuổi rưỡi) và bố cậu đồng thanh không phải mình làm chuyện đó. "Có vẻ như chúng ta phải mở cuộc điều tra", cô cố gắng nén cơn giận để nói đúng tông giọng Sherlock Holmes phiên bản nhí. Sam mỗi lúc một vui hơn khi trả lời câu hỏi điều tra của mẹ, chính cậu là người đã "giúp đỡ" vòi nước chảy rồi tràn ra sàn. "Sam ơi, bây giờ sàn ướt. Nếu cứ để như vậy thì vừa nguy hiểm, vừa bẩn, mình phải làm gì bây giờ hả con", cô hỏi Sam. Đáp lại, Sam nói "Mình phải dọn sạch và lau khô ạ"…
Câu chuyện sàn nhà ướt này trong cuốn Làm cha mẹ hoàn hảo (NXB Phụ nữ VN và Công ty sách Nhã Nam) là cuộc hội thoại dài khoảng 2 trang giữa hai mẹ con Sam. Trong suốt thời gian đó, Phương Hoài Nga luôn gợi ý cho Sam nói về trò chơi nghịch nước, tác động của nó lên đồ vật trong nhà, ảnh hưởng có thể xảy ra với người đi lại trên sàn trơn và cuối cùng là việc nên làm để khép lại. Không một câu la mắng, trách cứ.
Có nhiều câu chuyện được chia sẻ trong cuốn sách. Với 15 năm làm việc trong lĩnh vực tâm lý trẻ em và vị thành niên, trong đó có 12 năm gắn với giáo dục phổ thông và đại học, những câu chuyện trong sách đều là trải nghiệm cá nhân và nghề nghiệp của tác giả Phương Hoài Nga.
Những câu chuyện tâm lý trong Làm cha mẹ hoàn hảo này do đó cũng không mang "chủ nghĩa kinh nghiệm" mà là khoa học, hơn thế nữa, thực tế đã chứng minh mọi việc đều trở nên tích cực. Cậu bé nghịch nước đã đi lau dọn sàn nhà. Một cậu bé khác hay bị đuổi khỏi lớp đã tìm thấy công việc mà mình cho là có ý nghĩa… Mọi việc dần dần được hoàn thiện, con trẻ dần trưởng thành.
Nhưng "ảo vọng" trở thành cha mẹ hoàn hảo lại chính là điều tác giả Phương Hoài Nga muốn tránh cho các bậc phụ huynh. Nhà tư vấn tâm lý này cho biết về lý do tên sách lại có hai chữ hoàn hảo gạch ngang. "Người làm cha làm mẹ phải có quyền mong cầu hành trình làm cha làm mẹ đẹp nhất có thể. Tuy nhiên người luôn luôn nói cho họ biết không cần phải hoàn hảo đâu, chỉ cần là cha mẹ của bọn con thôi, chính là con mình".
Th.S Nga cho biết trong nhiều năm, cô nghe nhiều các con chia sẻ rằng bố con làm to lắm, mẹ con thành công lắm, nhưng khi ở nhà, con chỉ muốn họ làm bố làm mẹ con thôi. Các con không cần họ dạy như là giáo viên. Các con cũng càng không cần bố mẹ ra lệnh cho con như đang làm một nhà quản lý.
Cha mẹ có bản sắc, con cái được trưởng thành
Cô tâm sự: "Hãy lắng nghe con mình để xem điều mình làm vì yêu con thì liệu con có cảm nhận được tình yêu không. Điều mình nghĩ là quan tâm thì nó có cảm nhận được không hay lại nghĩ mình tọc mạch, kiểm soát. Việc mình nghe mình và nghe con là thông điệp quan trọng của cuốn sách. Và chỉ nghe như thế thì cha mẹ mới tìm ra bản sắc của mình và của con".
Bản sắc, theo tác giả cuốn Làm cha mẹ hoàn hảo vô cùng quan trọng, đặc biệt khi người ta đứng giữa vô vàn "trường phái" nuôi dạy con. "Làm cha mẹ cũng giống làm việc ở chỗ, mình không tự tin vào việc mình làm thì sẽ không thể hiện được bản sắc. Không có bản sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào trong đời sống, mình cũng mất đi năng lực tự quyết và sự tỉnh táo", Phương Hoài Nga nói.
Làm cha mẹ hoàn hảo cung cấp nhiều khung lý thuyết để cha mẹ có thể định vị mình, định vị vấn đề của mình rồi "lái" cách làm cha mẹ sao cho phù hợp với con, linh hoạt theo hoàn cảnh. Đặc biệt, nó giúp người đọc hình dung rõ hơn các tổn thương tâm lý mà các con có thể gặp phải, hay đã gặp phải rồi và cần được giúp đỡ để trưởng thành.
Trinh Nguyễn (Thanh niên)