ANTD.VN - Bản dịch tiếng Việt tác phẩm "Tiểu luận về nghệ thuật An Nam" của tác giả Louis Bezacier vừa chính thức được Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành.
Louis Bezacier là một trong số ít học giả đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, và có ảnh hưởng sâu sắc đối với chuyên ngành này.
Chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại
Tiểu luận về nghệ thuật An Nam tập hợp bảy bài nói chuyện vào một tập sách kèm hình ảnh được thực hiện ở bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Hội Những người bạn của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Trong cuốn sách này, Louis Bezacier đã nỗ lực phác họa một bức tranh tổng quát về mỹ thuật, kiến trúc, nghi lễ và văn hóa Việt Nam, với một chủ ý rõ ràng về một lịch sử có tuyến tính, và ý thức về phân kỳ lịch sử, thông qua việc giám định và khảo tả các hiện vật khảo cổ và mỹ thuật.
Trong cuốn sách Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, Louis Bezacier đã phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam và phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật ấy. Đây là hai kết quả đáng chú ý nhất của cuốn sách trung thực và không trau chuốt, thiếu những khéo léo văn chương nhưng lại phong phú
Tác giả của Tiểu luận về nghệ thuật An Nam tự nhận thức rằng công việc mà ông làm là nhặt nhạnh từng “hạt ngọc”, so sánh, đối chiếu, giám định, khảo tả, và phân tích, rồi tổng hợp lại để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam. Đó là chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại.
Tiểu luận về Nghệ thuật An Nam do NXB Thế giới và Công ty Văn hoá Truyền thông Nhã Nam ấn hành
Bằng những cứ liệu vật chất, Louis Bezacier cho rằng, chỉ từ cuối thế kỷ IX mới có những yếu tố cụ thể, xác đáng cho lịch sử nghệ thuật An Nam, còn trước đó, trong suốt ngàn năm, chủ yếu là dấu vết của các chính quyền đô hộ phương Bắc để lại: các ngôi mộ Hán-Lục triều.
Xa hơn nữa, nền nghệ thuật Đông Sơn cho thấy mối liên hệ mật thiết với văn minh Dayak của Borneo và Battak của Sumatra, và thảng hoặc có thể nhìn thấy những dấu vết văn minh nửa Trung Hoa nửa bản địa. Vì vậy, ông cho rằng, sẽ không ích gì khi tìm kiếm tổ tiên trực tiếp của người An Nam ngày nay qua cư dân Đông Sơn. Bezacier đã đưa ra một nhãn quan rộng mở khi nhìn các hiện vật với con mắt đa chiều, đa nguyên và đa văn hóa.
Từ những nghiên cứu của Louis Bezacier, các học giả Việt Nam trong thế kỷ XX đã triển khai hàng loạt chuyên luận như: Mỹ thuật thời Lý, Mỹ thuật thời Trần, Mỹ thuật thời Lê, Mỹ thuật thời Mạc của Viện Mỹ thuật, Mỹ thuật người Việt của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng…
Sang thế kỷ XXI, ta còn biết cuốn Arts of Việt Nam 1009-1945 của Kerry Nguyễn-Long (Nxb Thế giới, 2013), L'envol du dragon-Art royal du Vietnam (Musée National des Arts Asiatiques – Guimet, Paris, 2014), Mỹ thuật Nguyễn của Nguyễn Hữu Thông (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Tất cả các công trình trên là một cuộc chạy tiếp sức trong nhiều thập kỷ, trong đó Louis Bezacier là người chạy ở những chặng đầu tiên
Điều đáng lưu ý trong luận điểm của Bezacier đó là phác thảo về một nền nghệ thuật tôn giáo, đúng hơn là nghệ thuật đa tôn giáo của Việt Nam thời kỳ tiền hiện đại. Trong đó, nghệ thuật quân sự, tang lễ, và Thái miếu, lăng mộ thuộc về Nho giáo. Tháp Phật, tháp mộ, và tượng pháp thuộc nghệ thuật Phật giáo. Với góc nhìn từ chủ thể văn hóa, Bezacier coi các công trình nghệ thuật (dù là kiến trúc, điêu khắc, hay hội họa, nghi lễ,…) như là những dạng thức thể hiện khác nhau của thực hành tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.
Ông đã đưa ra một nhận định quan trọng về đình làng. Đó là loại hình kiến trúc An Nam duy nhất dựng trên cột trụ nhà sàn, nó khác với truyền thống kiến trúc Trung Hoa, và gần với kiến trúc bản địa Nam Á, như kiến trúc của một số dân tộc ở Tây Nguyên, người Mường, nó giống những hình mẫu cổ xưa còn bảo lưu ở Indonesia, như Goloubew và Nguyễn Văn Huyên từng đưa ra. Trong kiến trúc Phật giáo, ngoài việc mô tả bình đồ phổ biến nói chung, như nội công ngoại quốc, cấu trúc chữ T hay công 工 của các gian điện chính, với các đơn nguyên như tam quan, hành lang, chính điện, hậu đường, nhà thờ tổ,… ông còn để ý đến các am thờ dành cho các bậc đại thí chủ đã hưng công xây dựng chùa.
Ảnh hưởng của Louis Bezacier trong văn hoá Việt Nam
Điều này được thể hiện qua cách ông khảo tả các đồ án mỹ thuật, mà cho đến nay, đã trở thành các thuật ngữ. Lối khảo tả chân chất của Bezacier về con rồng thời Lý được định danh thành “rồng hình giun”/”rồng giun”, “rồng dây”. Nguyên ủy, rồng thời Lý thường có nhịp uốn khúc rất gấp, với đặc điểm long dạng uốn khúc uyển chuyển và mảnh mai như dây leo, nhưng cách dùng chữ “rồng giun” của Bezacier khiến cho người Việt ngày nay vẫn còn sử dụng như là “khái niệm” và được đưa vào nhiều sách nghiên cứu, giáo trình.
Bezacier cũng là người đầu tiên phát hiện ra sự đồng điệu của phong cách của các hoa văn ở Đại Việt với chân Thiếp Tháp thời Tống. Ông coi đây là một biểu hiện cụ thể của ảnh hưởng Trung Hoa tới nghệ thuật Việt Nam thời Lý Trần.
Một điểm quan trọng mà Louis Bezacier đưa ra trong “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam” là phản biện lại luận điểm cho rằng nghệ thuật An Nam chỉ là “một bản sao lỗi”, là “nghệ thuật thuộc địa” phái sinh từ nghệ thuật Trung Hoa.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều học giả (cả Nho học lẫn Tây học) có ý cho rằng, người An Nam là một giống người thoát thai từ Hán tộc, trong quá trình di cư về phương Nam, nên nghệ thuật An Nam cũng chỉ là một cành nhánh của nghệ thuật Trung Hoa.
Những hình ảnh từ trong cuốn sách
Từ quan điểm của thuyết giống nòi (racism), và thuyết tiến hóa xã hội (Darwin socialism), Bezacier đã phối hợp với thuyết di cư và phương pháp so sánh văn hóa để cho rằng, nền nghệ thuật An Nam là một nghệ thuật đa nguyên, với giao cắt phức hợp, nhiều màu: Trung Hoa có, bản địa có, Đông Á có, Nam Á có, Việt là chủ thể trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng thêm vào đó là sự đóng góp của những nhóm Mường, Chăm, Mọi,...
Tức là, Louis Bezacier tuyên bố xóa bỏ cách nhìn đơn sắc và đơn tuyến về lịch sử nghệ thuật Việt Nam: “khó có thể mong muốn nghiên cứu kiến trúc An Nam mà không am hiểu các loại hình nghệ thuật quanh nó và ảnh hưởng đến nó: các loại hình nghệ thuật Trung Hoa, nghệ thuật của Indonesia và chúng tôi thậm chí còn đi xa hơn, của Trung Á.”
Hơn nữa, tác giả của “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam” nhận xét rằng, nếu kiến trúc Chăm chỉ là những dạng phế tích (đã chết), thì nghệ thuật An Nam với những công trình kiến trúc tâm linh và thực hành tín ngưỡng, là một nền nghệ thuật đang sống, đang tồn tại, với nhiều biểu hiện đa dạng và sống động.
Bezacier cũng đã phản biện bài nghiên cứu của Dumoutier về một số tác phẩm điêu khắc trang trí trong đền thờ của Đinh Tiên Hoàng có niên đại vào thế kỷ X. Bằng các thao tác của mỹ thuật học lịch sử và khảo cổ học lịch sử, ông khẳng định rằng những tác phẩm này khác xa với những tác phẩm điêu khắc thế kỷ X-XI. Đó là sự khác biệt về mô típ và phong cách tạo hình. Louis Bezacier viết: “Những con rồng đầu to phân giới với bàn để đồ cúng ở đền thờ Đinh Tiên Hoàng cũng có phong cách rất khác so với những con rồng ở Đại La và thời Trần. Cuối cùng, những con chó, được làm khéo hơn và hiện thực hơn so với những con vật ở Lam Sơn và cũng như ở bả vai của những con vật này, được tô điểm họa tiết ngọn lửa xoắn ốc ở gốc và có gai nhọn ở đầu, ở Lam Sơn kiểu trang trí này xuất hiện khá rõ nét song kém sắc sảo hơn so với bây giờ.”
Dựa vào các tư liệu văn bia tại đền vua Đinh có niên đại xác tín (1607, 1610), và các tác phẩm điêu khắc cùng thời kỳ, Louis Bezacier giám định rằng, các tác phẩm điêu khắc ở đây có niên đại vào thế kỷ XVII, và chúng “đã cách xa thứ nghệ thuật thanh nhã ở Đại La, thậm chí cách xa cả nghệ thuật thời kỳ đầu nhà Lê, và đặc biệt bia mộ của các vua Lê ở Lam Sơn.” Những nhận định này là hoàn toàn xác đáng, khả tín, và cho đến nay đã trở thành chân lý.
Về tác giả:
Louis Bezacier theo học tại Trường Mỹ thuật Paris từ năm 1926 và tham gia các tiết học về kiến trúc tại xưởng Defrasse-Madeline từ 1931-1932. Ông đến Hà Nội ngày 3 tháng Mười năm 1935, đảm nhiệm vai trò bảo tồn các công trình ở Bắc Kỳ, rồi ở miền Trung Việt Nam.
Ngay khi đến Việt Nam, Louis Bezacier đã tiến hành công tác tu bổ một trong những công trình đẹp nhất Bắc Kỳ là chùa Ninh Phúc (hay còn gọi là chùa Bút Tháp), ở tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng thực hiện các cuộc khai quật nhằm tìm ra dấu vết của các công trình trước đó. Đến năm 1945, ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho kiến trúc dân sự và tôn giáo cổ như chùa, lăng mộ, di tích cung điện triều Lê, cầu có mái che… ở châu thổ sông Hồng và tỉnh Thanh Hóa. Louis Bezacier cũng tu bổ một phù đồ gạch ở Bình Sơn, tỉnh Vĩnh Yên, có từ thế kỷ 11. Ông chính là người xác định được một phong cách mới: nghệ thuật Đại La (thế kỷ 11-12). Ngoài ra, Louis Bezacier còn chịu trách nhiệm tu bổ nhiều công trình Champa ở khu di tích Lý Sơn.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Louis Bezacier: L’Architecture religieuse au Tonkin (Kiến trúc tôn giáo ở Bắc Kỳ, 1938), L’art et les constructions militaires annamites (Nghệ thuật và các công trình quân sự An Nam, 1941), Le panthéon bouddhique des pagodes du Tonkin (Điện thờ Phật giáo trong các chùa ở Bắc Kỳ, 1943), Essais sur l’art annamite (Tiểu luận về nghệ thuật An Nam, 1943), L’art vietnamien (Nghệ thuật Việt Nam, 1955).
Thiên An (An Ninh Thủ đô)