Được bán với giá khoảng 23 triệu đồng/kg, cafe chồn được coi là loại thức uống hiếm và đắt đỏ bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, phía sau bất cứ ngành hàng xa xỉ nào cũng là một sự đánh đổi với thiên nhiên.
Cafe chồn (Kopi Luwak), xuất hiện lần đầu tại Indonesia và nhanh chóng trở thành thức uống nổi tiếng với hương vị đặc trưng và giá thành đắt đỏ. Hiện nay, 1 kg cafe chồn có giá khoảng 23 triệu đồng, mỗi cốc cafe dao động từ 700.000 - 2.300.000 đồng.
Người dân Indonesia khám phá ra cafe chồn từ thời xa xưa, khi quốc gia này bị thực dân Hà Lan đô hộ. Khi đó, nông dân bị cấm khai thác cafe vì mục đích cá nhân, những hạt cafe bắt đầu rụng đầy đường chỉ để chồn đến ăn. Sau đó họ phát hiện rằng khi ăn quả cafe, loài chồn sẽ không thể tiêu hoá hết.
“Bản đồ thế giới cafe” - James Hoffmann chứa lượng thông tin khổng lồ và giá trị về ngành công nghiệp cafe
Cuốn sách “Bản đồ thế giới cafe” - James Hoffmann giải thích, các enzyme trong ruột chồn hương chỉ đủ để bào mòn lớp vỏ bên ngoài hạt cafe. Các chất dịch trong ruột chồn lên men, thấm nhẹ vào nhân cafe, sau đó hạt được thải ra qua đường bài tiết. Từ đó, tạo ra một loạt hạt cafe mới, độc nhất vô nhị.
Thời xa xưa, cư dân Indonesia chủ yếu khai thác hạt cafe theo cách tự nhiên, phụ thuộc và sự bài tiết của loài chồn. Tuy nhiên, khi thức uống này nổi tiếng và nhiều người có nhu cầu thưởng thức, các nhà buôn đã nâng cao giá trị cafe chồn dựa trên sự ngược đãi động vật tàn nhẫn.
Trên thực tế, loài chồn hương khá kén ăn và không phải lúc nào chúng cũng ăn quả cafe. Việc bị bắt nhốt trong một không gian nhỏ hẹp và ép ăn một loại thức ăn suốt thời gian dài như “án tử hình” đối với loài động vật này.
Cafe chồn có giá khoảng 23 triệu đồng/kg
Vốn là loài vật hoang dã chỉ quen xuất hiện vào ban đêm, sự ngược đãi của con người đã gây ra hậu quả xấu với sức khỏe và đặc biệt là tâm lý của loài chồn. Khi phải chịu đựng trong thời gian dài, một số con chồn tỏ ra hung dữ, cắn xé lẫn nhau, tự hoại. Nhiều con chết vì mất máu, số khác bị mất cân bằng dinh dưỡng trầm trọng.
Với những trang trại uy tín, họ có liệu pháp riêng để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho chồn. Nhưng với nhiều cơ sở sản xuất tự phát, điều kiện chăm sóc chồn cũng cực kỳ đơn sơ và không đảm bảo. Sau vài năm, những con chồn năng suất kém sẽ được trả lại tự nhiên, song đó không phải sự giải thoát vì hầu hết chúng sẽ chết do sức khỏe đã bị bào mòn.
Sau mỗi ly cafe chồn là những con chồn bị nhốt trong cũi nhỏ, ngày ngày chỉ được ăn hạt cafe
Bên cạnh cafe làm từ phân chồn còn có cafe làm từ phân voi, phân khỉ, phân dơi và phân chim Penelope Jacucaca. Đáng chú ý, tất cả những loại cafe này đều hiếm và đắt, mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những lái buôn khai thác triệt để sức khỏe động vật.
Trên thế giới, rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra nhằm ngăn chặn nạn ngược đãi động vật, song đến hiện tại, ngành công nghiệp cafe xa xỉ vẫn tồn tại. Nâng cao chất lượng ly cà phê bằng cách hạ thấp chất lượng sống của động vật, liệu có đáng? Mời bạn tìm câu trả lời trong cuốn sách “Bản đồ thế giới cafe” - James Hoffmann.
“Bản đồ thế giới cafe”: Từ hạt đến pha chế
“Bản đồ thế giới cafe” - James Hoffmann được Tạp chí Barista lựa chọn là cuốn sách không thể bỏ lỡ đối với những độc giả có nhu cầu tìm hiểu về cà phê: “Các chuyên gia và cả những người mê cà phê đều sẽ yêu cuốn sách đẹp đẽ này của James Hoffmann. Từ cái nhìn tổng quan về những vùng trồng cà phê nổi bật nhất thế giới cho đến hướng dẫn pha cà phê theo từng bước, nội dung sách đầy tính giáo dục, khơi gợi suy nghĩ và vô cùng có ích”.