Chiến tranh kể lại những câu chuyện khó tin và đầy luyến tiếc. Không quá dữ dội, không quá đau đớn, chiến tranh còn chết chóc và tàn nhẫn hơn nhiều. Nhưng câu chuyện trong Thiên táng lại mang nét quyến rũ khi cứ chầm chậm, từ từ, đôi lúc thật ngọt ngào khi kể về tình yêu của những người trẻ ngày ấy.
Sau một hành trình dài hơn ba mươi năm đi tìm chồng, ngày Thư Văn được nhìn lại hình ảnh phố xá quen thuộc, bà nhớ về ngày mình quyết dấn thân đến xứ Tây Tạng xa xôi và tự kinh ngạc trước sự hồn nhiên và dũng cảm của mình hồi trẻ.
Chính trị luôn là một vấn đề phức tạp, chẳng thể rạch ròi. Mình thực sự xúc động khi đọc những dòng thư Khả Quân gửi cho Thư Văn, kể về việc Khả Quân đã ngạc nhiên thế nào khi biết rằng những điều họ được tuyên truyền rằng “cuộc đàm phán giữa chính phủ Trung Quốc với các lãnh tụ tôn giáo của Tây Tạng đã hoàn toàn thành công” hay “các chiến hữu Tây Tạng tốt bụng và chân thành luôn chào đón Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc với đôi tay rộng mở” là hoàn toàn sai. Chào đón họ là những thù nghịch, những căng thẳng trả giá bằng tính mạng. Hay cảnh Thư Văn chứng kiến cảnh đụng độ giữa hai bên và một đơn vị kỵ binh Trung Quốc đông đúc truy kích và giết vài người Tây Tạng không kịp ẩn náu. Chiến tranh chẳng để ý đến từng con người riêng biệt.
Quyển sách mỏng nhưng gợi cho mình rất nhiều cảm xúc. Mình có đọc một số ý kiến trách Hân Nhiên vì đã để Thư Văn rời đi mà chưa giúp gì được cho bà, nhưng mình lại chấp nhận cái kết thúc như vậy. Đúng như thực tế, chiến tranh chẳng có phép màu nào để mọi câu chuyện được trọn vẹn..