Một đoạn nào đó trong giai thoại cuộc đời của bạn bị bế tắc, thì tôi tin “Yêu những điều không hoàn hảo” sẽ là phép màu diệu kỳ giải tỏa nó.
– Có thể đâu đó ngoài kia có những người luôn yêu mến sự hoàn mỹ, phù phiếm. Họ ngước lên trời cao và luôn ước mình sẽ trở thành một ai đó hoàn hảo, và thành công như những người khác trong xã hội.
Nhưng thật kỳ lạ, Đại đức Hae Min lại khuyên răn rằng :
“Không phải chỉ khi làm tốt những điều thế gian đòi hỏi, bạn mới là người có giá trị,
Mà chỉ cần bạn tồn tại thôi, điều đó cũng đủ khiến bạn quan trọng và đáng được yêu thương rồi”
Thật tuyệt vời khi đây mới chính là những gì giới trẻ chúng tôi cần thưa Đại đức. Bởi vì mỗi ngày thức giấc thấy thế giới xung quanh chuyển động quá nhanh, ông bà bảo chúng tôi quá may mắn khi được sinh ra trong thời đại vô cùng phát triển. Thì áp lực trở thành người thành công A, người giàu có B, người hoàn hảo C là quá đỗi nặng nề với chúng tôi. Cảm ơn Người đã luôn thấu hiểu chúng tôi.
– “Đừng sống quá hiền lành”. Tại sao “sống quá hiền lành” lại sai trái đến vậy hả Người? Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngoài kia nhan nhản những kẻ mở miệng ra là nói “yêu bản thân” nhưng lại ngược đãi bản thân mà không hề hay biết tí gì. Học cách lắng nghe những ao ước từ sâu thẳm trái tim, vượt qua mọi e ngại để bày tỏ nó với người khác là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống xô bồ này. “Bạn có từng cảm thấy tủi thân và tự hỏi. Mình phải giúp người khác đến bao giờ nữa? Nếu có đừng cố nén cảm xúc vào trong mà hãy nói ra thành lời”. Bởi vì “Khi bạn tự biết trân trọng bản thân. Thế gian cũng sẽ bắt đầu trân trọng bạn”
– “Nếu bạn yêu thương ai đó, hãy cố gắng chịu đựng đến cùng”. Bản thân chúng ta đã không hoàn hảo rồi, vậy chúng ta sao dám mong cầu ở ai đó điều hoàn hảo hơn mình chứ. Rõ biết tất cả đều không hoàn hảo rồi thì cách nào để yêu thương những người không hoàn hảo thưa Đại đức? ” Những người yêu thương chính sự tồn tại của bạn. Sẽ không bao giờ thay lòng đổi dạ dù bạn có mắc lỗi hay thất bại đi chăng nữa.” Đúng vậy, điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là sống tốt và vui vẻ mỗi ngày để dành tặng cho những người yêu thương chúng ta. Thử tưởng tượng một ngày, ta đứng bên kia thế giới và nhìn thấy nước mắt lăn dài trên khuôn mặt những người yêu thương ta thì đau lòng biết mấy. Vậy thì phải làm thế nào để yêu thương những người đã không hoàn hảo, lại làm chúng ta khổ sở thưa Đại đức? “Trong cuộc sống, khi gặp những người làm bạn khổ sở chẳng có lý do gì. Hoặc những người mà bạn không thể hiểu nối. Hãy vì chính bản thân mình mà tự nhủ rằng: Thế gian rộng lớn, nên cũng có lắm người kỳ lạ”.
– “Từ trái nghĩa của tham lam không phải là kiềm chế, mà là biết cách tự hài lòng”. Có những chuyện mà ở thời điểm hiện tại chúng ta cảm thấy quá to tát, quá nặng nề. Nhưng khi đem ra so sánh với sự sống – cái chết lại quá đỗi tầm thường. Liệu mọi lời chê trách có còn quan trọng không khi một mai ta không thể thức dậy, mọi chuyện có quá to tát không khi ta không đủ giỏi, mọi thứ có tệ lắm không khi công việc hơi nhiều một chút nhưng ta chưa thể sắp xếp được. “Sự trưởng thành về linh hồn. Đi kèm với quá trình thừa nhận và chấp nhận. Những điểm bạn ghét ở bản thân mình vẫn luôn là một phần của bạn”.
Chân thành cảm ơn những bài học sâu sắc từ Trường học chữa lành trái tim của Đại đức.