Là một nhà văn, nho học, nhà nghiên cứu có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam những năm trước 1954, Ngô Tất Tố còn thể hiện mình với vai trò một nhà dân tộc học, phóng viên chuyên viết phóng sự, tiểu phẩm về con người, xã hội đương thời.
Việc làng là tập hợp 16 phóng sự riêng lẻ về 1 nhân vật xưng “Tôi”, có một chút chữ nghĩa, quyết tâm đi thực hiện tâm nguyện của cụ Thượng Lão Việt trong truyện ngắn thứ nhất. Một nỗi khao khát viết về “một lớp người bị bỏ sót trong luỹ tre xanh, con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới…” là một lớp người bị “một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu được, bây giờ sắp chết, gánh tệ tục ấy vẫn còn đè ép chưa tha… Vậy mà nó vẫn được coi như vị thần thiêng, không ai đả động đến nó…”
Thật vậy, từ truyện ngắn đầu tiên – Lớp người bị bỏ sót, sự việc cụ Thượng Lão Việt mất, gia đình cụ đã phải làm một đám ma linh đình. Chẳng phải là để thết đãi họ hàng, tổ tông mà là để làm cỗ cho cả làng ăn. Như theo lời cụ thì cụ là người chết oan.
Và tiếp theo ở 15 mẩu truyện sau đó, từng tệ tục, lệ làng dần được Ngô Tất Tố bóc tách, phơi bày trần trụi những tác động tiêu cực cho cuộc sống người nông dân chân lấm tay bùn.
Người ta vẫn thường nói: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.” Ngô Tất Tố đã xoáy sâu và vấn đề ăn uống, tiền bạc của tầng lớp nông dân, kể cả những kẻ có chức dịch ở vùng nông thôn Bắc Bộ để lột tả hết sự tréo ngoe và khổ cực trong cuộc sống của chính họ
– “Một đám vào ngôi” bàn luận về một tư tưởng, định kiến của dân làng về chính cư và ngụ cư. Những người từ làng khác chuyển đến ngụ cư ở 1 ngôi làng nào đó, nếu chưa sống quá 3 đời thì không được “vào ngôi” của làng, được “thành tổ” – nghĩa là được công nhận ngang hàng như những người khác. Mà thực ra chính người dân cũng sợ cái mác “ngụ cư”, không có ngôi ở làng chính là sự nhục nhã. Người ta sẽ sống mà không được xem là người, không được công nhận là cư dân làng đó, có cỗ cũng không được chia, lễ hội diễn ra thì họ chính là tầng lớp thấp kém nhất ở làng, phải khiêng chiêng trống. Mà để làm lễ xin vào ngôi ấy cũng là 1 việc kỳ công tốn hơn hai trăm bạc có lẽ: tiền lót tay cho mấy ông đàn anh để xin chữ ký nhập bạ, tiền ăn uống, rượu chè trong 2 ngày và thêm cả tiền chong đèn thuốc phiện, tiệc đánh tổ tôm, cả việc sửa soạn đồ lễ cúng đình…
– “Cái án ông cụ” tiếp nối định kiến về dân chính cư và ngụ cư. Câu chuyện xảy ra với ông đội Thi giữ chức phó quản ở làng. Chỉ vì những ý kiến phân biệt, khinh rẻ dân ngụ cư, hay ghen ghét về sự thăng tiến của một người lạ làm chức phó quản mà sinh ra án mạ.ng. Tất thảy chỉ đều bắt nguồn từ một quân bài ông cụ trong cuộc tổ tôm. Có ai ngờ đâu ở một ngôi làng hẻo lánh, cổ hũ, một ông cụ có thể định đoạt 2 kiếp người.
– “Nghệ thuật băm thịt gà” là một câu chuyện phiếm hài hước về thằng Mới – một anh mõ làng có truyền thống 3 đời làm nghề băm thịt gà. Chỉ với một cỗ xôi vừa khít cái mâm đồng, nấu bằng 4 đấu gạo và 1 con gà cỡ 1 người ăn, thằng Mới phải trình làng 23 cỗ có thịt gà và xôi đầy đủ. Sự việc đó đã được Ngô Tất Tố mắt thấy tai nghe và ghi chép lại, con gà luộc được băm ra thành 92 miếng cả thảy.
Và còn rất nhiều tập tục, lễ nghi xảy ra ở những vùng quê Bắc Bộ đó, được Ngô Tất Tố tập hợp trong Việc làng, có thể kể đến như: bán chức lý cựu giá 100 đồng, xin “đặt hậu” ở làng, sửa “xôi mới”, “mua cỗ”, “bán cỗ”, cỗ xôi để lên chức lão làng, “cỗ oản tuần sóc”, tiệc ăn vạ, những chuyện ăn uống về xâu lòng thờ, lăm lợn, miếng thịt giỗ hậu…
Trong những câu chuyện của Ngô Tất Tố, tất nhiên người giàu thì sẽ thoải mái hơn đôi chút, nhưng khi họ quá lép vế, không có tiếng nói cũng là một cái khổ.
Và “trong cái hạnh phúc của loài người, người ta không mong gì hơn thế, nếu như ở làng không có cái đình”
“Một bữa lệ làng có thể gây ra cho người ta món nợ chung thân không trả hết”
Gấp Việc làng lại, những câu nói, hủ tục đó vẫn còn lưu lại trong suy nghĩ của 1 người hậu bối như tôi.