Mình vừa đọc xong “Về nhà” của nhà văn Phan Việt. Có một dạo bạn mình suốt ngày thấy đăng story chụp hình quyển sách này, làm mình tò mò về quyển sách, nhất là cái câu ở trang bìa “Bất hạnh là một tài sản”.
Ban đầu đọc chương đầu thì thấy tác giả đề cập đến vấn đề hậu ly hôn, sau những tan vỡ và dần ổn định cuộc sống, mình nghĩ chắc “Về nhà” sẽ nói đến cuộc sống của nhà văn sau đổ vỡ và hành trình hàn gắn vết thương… về nhà. Ấy vậy mà mình đã đoán nhầm, cuốn sách càng đọc càng cuốn. Đây là một cuốn sách mang hơi hướng Phật giáo, nhà văn Phan Việt từ một người vô thần, không theo tôn giáo nào cả, trên hành trình về Việt Nam công tác đã hữu duyên tìm đến ngôi chùa cổ, từ đó nhà văn đã giải mã được những quy luật của cuộc đời.
Có những đoạn Phan Việt chiêm nghiệm thực sự sâu sắc và bình thản, có những đoạn lại trải lòng gần gũi, thân thương. Điều làm nên thú vị của quyển sách này có lẽ là nhà văn Phan Việt vừa là một nhà báo và vừa là một nhà khoa học, một phó giáo sư ở trường đại học nổi tiếng ở Mỹ nhưng lại tìm về chốn Bụt. Cách nhà văn tiếp cận với Phật giáo cũng rất khoa học, không phán xét, không bình luận, được thể hiện qua những câu hỏi mà nhà văn đặt cho sư thầy, mà theo như bìa sau sách đã ghi là “sự tra vấn đến tận cùng, hòng tìm thấy cái “chân bản lai diện mục” của chính mình”.
Theo mình thì nửa đầu tác phẩm hay hơn nửa sau. Có lẽ nửa đầu tác phẩm viết nhiều về tâm trạng hào hứng cũng như đầy tính tò mò của nhà văn về đạo Phật và quyết tâm phải tìm hiểu đến cùng. Đoạn hay nhất của quyển sách, theo mình có lẽ là đoạn mà nhà văn vẫn muốn làm nhân chứng cho người chồng được trắng án, dù đã ly hôn. Đứng trước quan tòa Mỹ, diễn biến nội tâm của Phan Việt đã được lột tả một cách sâu sắc. Hoặc những đoạn nhà văn cảm nhận về việc học Tiến sĩ của mình, về việc đã đi khắp năm châu bốn bể nhưng dường như chị cũng chưa hiểu hết thế giới, vì ngoài sông sông núi núi hữu hình còn những thế giới khác. Hay như đoạn tường thuật lại cảm giác e dè khi phải ngủ chung với một người mà có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào, không biết khi nào là ma, khi nào là người. Khi hiểu rồi lại thấy ma hay người cũng đều đáng thương. Phật Phật ma ma, được nhìn qua con mắt của Phan Việt thật thấu đáo.
Như Phan Việt đã ghi ở đầu sách “Tìm ý trong lời cũng như khều trăng đáy nước, có liên quan gì đến sự thật đâu.” Đây là một quyển sách rất hay và thú vị ạ ❤️❤️❤️