Review sách: VẬT LÝ THIÊN VĂN CHO NGƯỜI VỘI VÃ – Neil de Grasse Tyson

Thứ Năm, 31/08/2023

Nội dung chính: Một câu chuyện về  từ thuở sơ khai cùng những thiên hà, những ngôi sao, những hành tinh – và tất nhiên là cả Trái Đất, những nguyên tố, ánh sáng, vật chất tối và năng lượng tối, được kể theo cách dí dỏm và đơn giản nhất mà chúng ta có thể nghĩ được về vật lý. Vũ trụ bắt đầu với Big Bang, và “Neil deGrasse Tyson đã tạo ra một Big Bang với Vật lý thiên văn cho người vội vã”.

I. Nội dung: 4.5/5

Bạn sẽ phải dành thời gian đọc chục trang giấy để biết chuyện gì đã xảy ra trong 1 giây khởi nguyên của vũ trụ.

Nhưng hãy tin mình đi, đó là “một giây” cực kỳ thú vị và dễ hiểu, chứ không phải vô số công thức khiến chúng ta phát ớn mà trừ khi học và làm trong ngành ra thì sẽ gần như chẳng bao giờ dùng đến, chẳng hạn như “Các hạt quark có một cái hay: Tất cả tên gọi của chúng đều đơn giản – một điều mà các nhà hoá học, sinh vật học và địa chất học dường như không có khả năng đạt được khi đặt tên cho mấy món đồ của họ” – một sự khịa nhè nhẹ từ vị trí nhà vật lý thiên văn của bác Tyson.

Và không chỉ có vậy, cuốn sách dày chưa đến 200 trang này còn kể ra 11 câu chuyện – thực sự là “câu chuyện” thay vì những lý thuyết khô khan – về những gì đã diễn ra sau 1 giây đó, giải thích tại sao những định luật trời ơi đất hỡi của chúng ta lại áp dụng được trên vũ trụ, vai trò của ánh sáng là gì ngoại trừ việc “sáng” – và thậm chí có những khi nó còn không “sáng”, có gì trong những thiên hà và giữa các hành tinh, cái thứ trừu tượng gọi là vật chất tối và năng lượng tối là gì, tại sao Trái Đất lại có những nguyên tố hoá học mà đa số hiện nay chỉ có thể tạo ra từ phòng thí nghiệm, liệu có một nơi nào đó ở ngoài kia cũng tồn tại sự sống như trong những thước phim viễn tưởng, hay chỉ đơn giản là tại sao đa số những hành tinh và ngôi sao đều hình tròn. Phần mình thích nhất ở cuốn này đó là phần giải thích về việc thời gian bị cong khi tiến gần lỗ đen, bởi vì mình vẫn cứ luôn thắc mắc thời gian thì bị cong thế nào, thời gian nhanh hay chậm là do cảm giác thôi chứ.

Một vài lưu ý nho nhỏ trước khi đọc:

– Cần có nền tảng cơ bản về vật lý, ở mức có khái niệm về các yếu tố trọng lực, gia tốc trọng trường, ánh sáng khả kiến và bất khả kiến.

– Đây là một cuốn sách mỏng chưa đến 200 trang, toàn chữ – đúng nghĩa đen. Và vì vậy nếu trí tưởng tượng không được tốt lắm, khuyến nghị hãy có ở nhà một (hoặc vài thì càng tốt) cuốn sách có hình ảnh về vũ trụ ở phạm vi hệ mặt trời, các hành tinh, tinh vân, etc. hoặc đơn giản hơn là vừa đọc vừa google.

II. Bản dịch: 5/5

Sự dí dỏm và hài hước của tác giả được dịch giả Hồ Hồng Đăng dịch rất trọn vẹn luôn. Thực sự, nếu thiếu đi lời dịch phù hợp mượt mà như vậy thì mình tin là tác phẩm sẽ bớt thú vị đi với độc giả đọc tiếng Việt rất nhiều luôn.

Chẳng hạn như đoạn nói về sự kết hợp giữa cơ học lượng tử và điện từ học, nguyên tác là “these two understandings of nature are formally incompatible with one another” (tạm dịch là “sự hiểu biết về hai lĩnh vực này được chính thức kết hợp lại với nhau”) được dịch thành “cuộc hôn phối thành công giữa cơ học lượng tử và điện từ học”.

Hay chẳng hạn như đoạn dịch cho ghi chú trong “A Cultural History of Physics” (Một  văn hoá của vật lý học), nguyên tác – đã được dịch từ tiếng  sang tiếng Anh:

“Look unto the stars to teach us

How the master's thoughts can reach us

Each one follows Newton's math

Silently along its path.”

được dịch thành:

“Ngước nhìn trời cao ta sẽ thấy

Suy nghĩ bậc thầy đến ngay đây

Mỗi ngôi sao thuận theo Newton tính

Mà lặng im di chuyển đúng lộ trình.”

III. Trình bày: 5/5

Mình có ấn tượng khá tốt với bìa sách, đơn giản nhưng thú vị, hệ mặt trời được đơn giản hoá và cách điệu, các dòng chữ được uốn cong đồng tâm với các đường quỹ đạo, và có một chữ O trong dòng tên gốc tiếng Anh được cách điệu thành hình nguyên tử (hoặc hành tinh với hai vành đai). Một điều nho nhỏ khiến mình cực kỳ ưng ở bìa sách đó là phần tên người dịch cũng được căn chỉnh hài hoà với tổng thể bìa sách, nói thật là  làm bìa cho tới giờ vẫn luôn rất hợp gout mình luôn.

Không có gì đặc biệt với cách trình bày và dàn trang của “Vật lý thiên văn cho người vội vã”. Kiểu chữ đơn giản phố biến dễ đọc, cỡ chữ trung bình không quá nhỏ, giãn dòng giãn đoạn thoáng nhưng không quá thưa, thi thoảng có lẻ dòng lẻ chữ nhưng không gây khó chịu, các lỗi lặt vặt liên quan như lỗi đánh máy, dấu câu, chính tả, etc. có thể nói là không có.

IV. Tổng kết: ĐÁNG ĐỌC!

Hòm gạch đá – Một, hoặc vài, lý do nho nhỏ vì sao “Vật lý thiên văn cho người vội vã” không được 5 đối với mình:

Không có vài, chỉ một thôi – Toàn chữ, và mình thì cho rằng những bức ảnh lung linh xinh đẹp về vô số ngôi sao, thiên hà, tinh vân, cùng tất cả mọi thứ ngoài kia sẽ khiến mọi người có hứng thú khi đọc hơn.

Nhìn chung, “Vật lý thiên văn cho người vội vã” thực sự là một cuốn sách đáng đọc dành cho bất cứ ai muốn thử và bắt đầu tìm hiểu về vật lý thiên văn – một lĩnh vực rất khác so với vật lý mà chúng ta được học trên trường lớp. Và có lẽ chẳng cần bàn cãi về chất lượng của nó – một cuốn sách khoa học đã chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng Best Sellers của The New York Times, rồi cứ thế trụ vững trong bảng xếp hạng suốt 20 tuần liên tục, và được tạp chí Vanity Fair bình luận rằng “Neil deGrasse Tyson đã tạo ra một Big Bang với Vật lý thiên văn cho người vội vã.”

P.s: Kết bút 2022 ^^

Review của độc giả Lieleigh Hoàng Ly – Nhã Nam reading club

Hoang vu giữa thành phố lớn

Hoang vu giữa thành phố lớn

Năm 2022, tiểu thuyết Tình yêu ở thành phố lớn của nhà văn Sang Young Park cùng tập truyện ngắn Con thỏ nguyền...

Thứ Ba, 03/12/2024